(TSVN) – Trong 7 tháng qua, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên toàn ngành nông nghiệp vẫn kiên trì bứt tốc để đạt được những kết quả quan trọng.
Tại buổi họp thông tin với báo chí về tình hình sản xuất của ngành nông nghiệp trong 7 tháng đầu năm diễn ra sáng ngày 31/7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua, chúng ta phải đối diện với rất nhiều thách thức, ngoài những khó khăn trong nước như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, vật tư đầu vào tăng, tình hình thế giới nhiều biến động, tuy nhiên ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
Sáng 31/7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp thông tin với báo chí. Ảnh: Thùy Khánh
Các cân đối cung – cầu, an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm vững chắc; nguồn cung sản lượng lúa gạo, thịt hơi, thuỷ sản…đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đối với thủy sản, tổng sản lượng 5,2 triệu tấn, tăng 2,6%; trong đó khai thác 2,3 triệu tấn, tăng 0,9%; nuôi trồng 2,9 triệu tấn, tăng 3,9%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% (xuất siêu 9,42 tỷ USD, tăng 60%) nhờ đóng góp của hầu hết các nhóm hàng đều tăng, riêng thủy sản ước đạt 5,29 tỷ USD, tăng 7,3%. Trong số các mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao có tôm khoảng 2 tỷ USD (tăng 7,5%); cá tra đạt 1,02 tỷ USD (tăng 7,1%). Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; trong đó giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 21,1%, tăng 21,6%; Trung Quốc chiếm 20,5%, tăng 11,3% và Nhật Bản chiếm 6,6%, tăng 4%.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, động lực quan trọng giúp ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng tốt đó là nhờ vào việc chúng ta đã phát huy lợi thế sang các thị trường lớn. Sau nhiều năm tái cơ cấu, Việt Nam đã định hình vùng nguyên liệu gắn với khu vực chế biến, gắn với thị trường. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển nông nghiệp của Chính phủ là định hướng, không gian để thúc đẩy tái cơ cấu trong 4 ngành hàng lớn của ngành nông nghiệp, trong đó thủy sản. Đặc biệt, trong các chiến lược đều có đề án gắn với thị trường. Công nghệ chế biến của Việt Nam tuy quy mô chưa lớn nhưng đã đi vào chế biến sâu gắn chặt với các thị trường. Đồng thời xúc tiến thương mại của Việt Nam những năm qua đã tạo động lực và nhân tố quyết định tăng trưởng xuất khẩu.
Bên cạnh một số kết quả đáng ghi nhận, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nêu ra một số tồn tại như công nghiệp chế biến sâu chưa thực sự phát triển mạnh; việc duy trì và phát triển bền vững các liên kết chuỗi giá trị còn hạn chế.
Để ngành nông nghiệp có thể tăng tốc trong quý III và về đích trong quý IV, hoàn thành mục tiêu chung của ngành nông nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra trong năm 2024, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trước hết, ưu tiên nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị. Định hướng sản xuất phù hợp thị trường; theo dõi sát diễn biến thời tiết, phòng cháy chữa cháy rừng; phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến giá cả, nguồn cung để tăng cường các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, không để thiếu các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường, trong đó đẩy nhanh các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi… hỗ trợ các địa phương kết nối, tiêu thụ nông sản qua chuỗi phân phối bán lẻ, sàn thương mại điện tử.
Đồng thời, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới. Đẩy nhanh thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Cùng với đó, chú trọng phát triển thủy lợi và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập, lụt do mưa bão; thích ứng biến đổi khí hậu, không để bị động bất ngờ. Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ các rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số. Chú trọng đào tạo, huấn luyện hình thành đội ngũ nông dân thế hệ mới có kiến thức kinh tế, kỹ năng thích ứng với nền nông nghiệp xanh và thị trường; gắn nhiệm vụ đào tạo với các cơ sở giáo dục, đào tạo, các viện, trường. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, khơi thông các nguồn lực đầu tư.
Thùy Khánh