Cá vừa kéo lên đã có tàu đến mua. Chợ nổi dập dềnh trên biển, do những chiếc tàu cao tốc trong bờ ra giao dịch. Những tàu nhỏ vây quanh tàu lớn, chuyển hàng chục tấn cá sang tàu thu mua. Ngư dân đánh cá chỉ cần nhấc máy alô là có tàu tới mua liền…
Tại cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi), những chiếc tàu nhỏ, dáng thon dài, mũi nhọn, đang rẽ sóng lao ra khơi với tốc độ như ca nô cao tốc. Thân tàu được thiết kế theo kiểu lướt sóng, con tàu có thể dễ dàng lách qua sóng to để lướt êm. Đó là những chiếc tàu thu mua cá trên biển của ngư dân. Tới mùa thì thu mua cá, hết mùa bỏ lưới xuống đi biển.
Thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn), một làng chài nhỏ của tỉnh Quảng Ngãi nhưng có 30 chiếc cao tốc loại này. Anh Thành, một thợ máy cho biết, những tàu trọng tải lớn, thân dài hơn 20 mét, nhưng đôi khi chỉ trang bị máy 90 mã lực. Chiếc tàu thu mua cá, thân tàu nhỏ như chiếc thuyền câu, nhưng đều trang bị máy lớn, có chiếc lắp máy công suất 350 mã lực, ngang tàu của ngư dân có trọng tải gần 100 tấn đi Trường Sa.
Đội tàu cao tốc ngày một tăng. Mùa cá, đoàn tàu Phú Yên hàng trăm chiếc tập trung về vùng biển này đánh cá cơm; đội tàu cao tốc hàng trăm chiếc bám theo đoàn tàu làm thành phiên chợ nổi.
Mọi lúc mọi nơi
Ngư dân Phạm Duy Điệp (SN 1985, ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải) cho biết, có nhiều hôm, nhận điện báo tọa độ tàu đang có cá trên biển; thời tiết không thuận lợi nhưng 7 anh em vẫn cứ cho tàu băng ra khơi. Theo các ngư dân, tàu thu mua hoạt động theo kiểu “có mặt mọi lúc, mọi nơi”, tàu của ngư dân đỡ tốn kém công vận chuyển vào bờ nên có thể bám biển dài ngày. Khi tàu ngư dân bị nạn, tàu thu mua có mặt giúp ngay. Lúc này, chiếc máy công suất lớn thực sự phát huy hiệu quả.
Tàu của ngư dân Phạm Duy Điệp đang chuyển cá vào đất liền
Tại cửa biển Sa Kỳ, ngư dân vừa chứng kiến cảnh 2 tàu mua cá của ngư dân xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh cùng tàu Bộ đội Biên phòng cứu giúp tàu bị nạn. Đó là tàu QNG 99845 TS của ngư dân Nguyễn Hữu Đức (quê xã Phổ An, huyện Đức Phổ) bị mắc cạn. Không ngại tốn dầu mỡ, ngư dân trên 2 tàu cao tốc nổ máy, phất tay hò la ầm ĩ để cứu tàu mắc cạn 2 ngày liền. Cứu giúp nhau đã thành chuyện thường thấy ở ngư dân tàu cao tốc.
Tại thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, mỗi khi có ngư dân bị nạn trên biển, chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng liên hệ ngay với những tàu cao tốc đang dọc ngang trên biển nhập cuộc. Thuyền trưởng Lê Văn Hoan, (28 tuổi, ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải) cho biết, riêng tàu anh đã tham gia cứu nạn ngư dân vài chục vụ. “Đợt trước tàu ông Đào bị chìm, tôi chở ngư dân chạy trên biển suốt 2 ngày đêm tìm kiếm; ráng nán lại chờ trời êm coi trên biển chỗ nào có vệt dầu loang để truy ra chiếc tàu chìm”.
Ngư dân Phạm Văn Thanh (ở huyện Đức Phổ) cho biết, có đội tàu thu mua thì ngư dân tiết kiệm được 70% chi phí xăng dầu và thời gian đánh bắt. Cá vừa khai thác xong, tàu tới giao dịch mua cá tươi, ngư dân giảm được lượng cá bị hao hụt sau bảo quản. Nếu cá bán tại bờ 40.000 đồng/kg thì bán tại chợ nổi chỉ thấp hơn vài ngàn.
Một chủ tàu nói: “Chúng tôi đã cho tàu ra tới biên 11 để mua cá. Nếu có vốn đầu tư thuyền lớn, sẽ cho tàu ra tới Hoàng Sa để cung ứng lương thực và thu mua hải sản giúp bà con mình luôn”.
Phải có kết nối
Ngoài những chiếc cao tốc chuyên thu mua cá gần bờ thì hiện nay có những chiếc tàu đã bám biển vài ngày và vượt quãng đường hàng trăm hải lý để tiếp cận những chiếc tàu xa bờ. Anh Trung, một ngư dân đi tàu cao tốc, nói: “Thu mua gần bờ đôi khi như đi chợ, cứ phải chen lấn, trả treo giá cả, còn ra ngoài khơi xa thì anh em biết mình chi phí nhiều xăng dầu nên chấp nhận giá nhẹ hơn”.
Tàu cao tốc rẽ sóng ra biển
Tháng 2/2012 vừa qua, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức mô hình tàu mẹ, tàu con giúp ngư dân khai thác dài ngày trên biển. Sở NN&PTNT Khánh Hoà, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, Hội Nghề cá, Công ty CP Thuỷ sản Hải Vương (Thanh Hoá) đã ra mắt tàu Hải Vương có công suất lớn, liên kết với 6 ngư đội 30 tàu của ngư dân khai thác trên vùng biển Trường Sa để thu mua cá và cung ứng hậu cần.
Chỉ vài tháng hoạt động, “xưởng cấp đông trên biển” này đã bị lỗ nặng và phải dừng. Có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thường thấy là các tàu cá vẫn chở cá vào bờ bán cho chủ nậu. Tàu Hải Vương vẫn chưa chen ngang vào chỗ kết nối giữa chủ nậu và tàu ngư dân khai thác. Hiện, chủ nậu ở các cửa biển đã trở thành ngân hàng di động và cho ngư dân vay vốn không tính lãi. Đổi lại, ngư dân bán cá cho chủ nậu.
Ngư dân Lê Mến (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đang đóng chiếc tàu hậu cần trên biển có công suất 1.200 mã lực, lớn nhất miền Trung. Con tàu này dự tính ra tới các vùng biển xa để thu mua cá của đội tàu ở Hoàng Sa. Tại Quảng Ngãi, một số chủ tàu cao tốc đang tính toán để tạo sự liên kết với các tàu đánh cá và cho tàu cung ứng nhiên liệu, thu mua cá tại các vùng xa bờ. Tương lai không xa, đội tàu hàng trăm chiếc này sẽ hình thành một chợ nổi giữa trùng khơi Hoàng Sa.