(TSVN) – Hỏi: Lươn hay ngóc đầu lên khỏi mặt nước, trên thân xuất hiện nhiều vết hình tròn. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục?
(Trần Hữu Thái, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An)
Trả lời:
Theo mô tả, có thể lươn đã mắc bệnh ký sinh trùng, vi trùng. Khi nhiễm bệnh, trên mình lươn xuất hiện nhiều vết tròn hay hình bầu dục. Da lươn bị lở loét còn gọi là bệnh đóng dấu, nếu bị nặng đuôi lươn bị rụng đi, bơi lội khó khăn, đầu lươn ngóc lên khỏi mặt nước, bệnh này thường xảy ra vào tháng 5 – 9.
Trước khi nuôi phải sát trùng bể bằng vôi, vào mùa hay mắc bệnh cần phun thuốc Streptomycin ở toàn bể, dùng 250.000 UI/m2. Cứ 50 kg lươn dùng 0,5 g SulFamidine trộn vào thức ăn cho lươn ăn, mỗi ngày một lần, điều trị mỗi đợt 5 – 7 ngày. Trực tiếp bôi Potassium permanganate (thuốc tím) vào vết loét trong 5 – 7 ngày liên tục.Tắm lươn
Ao nuôi lươn yêu cầu nước lưu thông, sạch, do đó, trong quá trình nuôi cần đảm bảo chất lượng nước cho lươn. Khi nước quá bẩn thì lươn có biểu hiện nửa thân trước của lươn dựng thẳng đứng trong nước, đầu nhô lên khỏi mặt nước để thở. Nếu lươn có hiện tượng đó phải nhanh chóng thay nước mới vào. Ðể phòng tránh chất nước nhiễm bẩn thì từ 2 – 3 ngày thay nước 1 lần. Mùa hè nhiệt độ cao thời gian thay nước ngắn hơn, thường xuyên vớt bỏ thức ăn thừa, rác bẩn… Tốt nhất mỗi ngày thay nước 2 lần vào lúc sáng sớm và trước khi cho ăn. Trong suốt quá trình nuôi phải đảm bảo môi trường thích hợp: Nhiệt độ từ 23 – 280C; pH từ 6,5 – 8. Độ mặn không quá 6‰.
Nếu bể nuôi bốc mùi hôi thối mà thay nước vẫn không hết thì phải thay lớp đất bùn ở những nơi cho ăn hoặc thay toàn bộ lớp đất bùn vì trong quá trình nuôi đã cho ăn dư thừa hoặc do xác lươn chết phân hủy.
Định kỳ 7 ngày/lần trộn Vitamin C vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng và sử dụng chế phẩm sinh học, Zeolite… hạn chế ô nhiễm nguồn nước.
Ban KHKT