Vĩnh Long: Bảo vệ thủy sản mùa mưa

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời tiết thay đổi thất thường vào mùa mưa khiến môi trường sống bị biến động, mầm bệnh có cơ hội lây lan và xâm nhập gây khó khăn cho sự sinh trưởng và phát triển của thủy sản (TS). Do đó, ngành nông nghiệp phối hợp cùng các địa phương, người dân đã đề ra nhiều biện pháp để phòng, chống và khắc phục rủi ro, bảo đảm an toàn cho các vùng nuôi trồng TS

Người nuôi thủy sản cần chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ thủy sản nuôi một cách có hiệu quả trong mùa mưa.

Theo ngành nông nghiệp, thời tiết trong những đợt mưa bão thường có sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa và đây là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển. Trong khi đó, vào mùa mưa, TS sẽ có sức đề kháng yếu hơn nên mầm bệnh có nhiều cơ hội xâm nhập vào TS làm phát sinh bệnh. Nhiều hộ nuôi cá cho biết, trước những thay đổi đột ngột của môi trường, nhất là trong mùa mưa, khâu quan trọng nhất là phải biết cách điều chỉnh môi trường nước cho ao nuôi, cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, mật độ nuôi hợp lý.

Có 20 lồng bè nuôi cá, anh Nguyễn Quang Hoanh (xã An Bình, huyện Long Hồ) cho biết: “Thường vào mùa mưa cá có sức đề kháng yếu hơn, dễ nhiễm bệnh về ký sinh, nấm, tỷ lệ hao hụt cũng nhiều hơn. Theo đó, cá điêu hồng thường bị hao hụt từ 20-30%, do nước đục, bùn, sình bám vào mang cá khiến cá dễ nhiễm bệnh. Năm nay, nước đổ về xiết, mạnh hơn mọi năm, thời điểm này cũng vào cao điểm của mùa mưa nên tôi cũng đã chủ động gia cố cọc neo, mua thêm dây thừng chằng lại thành ngăn nuôi cá và vây lưới xung quanh các lồng để cá không nhảy ra ngoài khi nước dâng cao”.

Có kinh nghiệm gần 10 năm nuôi cá, anh Trần Trung Tấn (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ), cho biết: “Vào mùa mưa, các yếu tố môi trường ao nuôi có thể bị thay đổi đột ngột làm TS nuôi bị sốc, dễ phát sinh dịch bệnh. Do đó, tôi thường xuyên theo dõi môi trường nước, kiểm tra hoạt động của cá, quan sát để điều chỉnh lượng thức ăn vừa đủ, bổ sung các vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho cá. Bên cạnh đó, tôi cũng chủ động chuẩn bị các vật tư cần thiết như lưới quây, máy bơm nước, máy phát điện để kịp thời xử lý sự cố xảy ra trong mùa mưa bão”.

Ông Tạ Văn Thảo- Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi thú y và TS, cho biết: Để bảo vệ TS trong mùa mưa bão, chi cục đã có hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ diện tích nuôi TS. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức tốt công tác tập huấn phòng, chống thiên tai. Đối với các địa phương có diện tích nuôi cá lồng bè trên sông thì hướng dẫn người nuôi kiểm tra, gia cố hệ thống dây neo, phao và chủ động di chuyển lồng nuôi về địa điểm an toàn, có điều kiện môi trường thuận lợi khi có mưa to, gió lớn.

Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi thú y và TS cũng đã khuyến cáo cơ sở nuôi nên chọn con giống lớn, khỏe mạnh thả nuôi để hạn chế hao hụt. Đồng thời, thực hiện tốt khâu neo đậu lồng bè, kiểm tra thường xuyên các dây neo, tó… để chủ động phòng, tránh thiệt hại do thiên tai. Theo đó, ngay từ đầu mùa mưa bão, các địa phương có diện tích nuôi TS trên địa bàn tỉnh cũng tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ đối tượng nuôi trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, vào mùa mưa bão, đối với các ao nuôi cá, người nuôi cần kiểm tra và tu bổ lại đê bao cho chắc chắn đảm bảo giữ được nước. Cần phát quang những cành, cây xung quanh bờ, để tránh cành lá rơi vào ao làm ô nhiễm ao nuôi và đề phòng khi có gió lớn cây đổ có thể làm vỡ đê bao sẽ làm thất thoát cá. Đặt những ống xả tràn để xả nước khi nước trong ao quá lớn, hoặc chủ động tháo nước trong ao, nhằm đề phòng nước tràn bờ cá sẽ đi theo ra hết.

Chuẩn bị dụng cụ để gia cố sửa chữa hệ thống đê bao, cống khi có tình huống xấu xảy ra. Khi mưa lũ xảy ra phải tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như: bón vôi để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước, hoặc có thể thay nước khi cần thiết, sau mỗi lần thay nước người nuôi phải xử lý nước. Đồng thời bổ sung khoáng chất, vitamin nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi.

Đối với các hộ nuôi lồng, bè trên sông, cần kiểm tra, gia cố lại lồng, hệ thống dây neo, phao lồng, vệ sinh lồng sạch sẽ và thông thoáng để nước lưu thông nhanh. Những nơi có dòng chảy mạnh phải dùng những tấm phên hoặc tấm bạt che chắn phía trước lồng để ngăn bớt dòng chảy trực tiếp lên cá nuôi.

Bên cạnh đó, cần sử dụng chất khử trùng treo trong lồng, bè để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá nuôi; hạn chế cho ăn khi có mưa bão để hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh lãng phí. Đồng thời, người nuôi cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết về mực nước lũ trên các con sông và tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng, chống, nhằm bảo vệ TS nuôi một cách có hiệu quả.

Theo Chi cục Chăn nuôi thú y và TS (thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT), toàn tỉnh hiện có 1.646 chiếc lồng, bè (tăng 25 chiếc so với cùng kỳ) với 207 cơ sở nuôi. Trong đó, đang thả nuôi 1.249 chiếc, tăng 53 chiếc, chưa thả lại 397 chiếc. Sản lượng 6 tháng ước đạt gần 8.300 tấn, đạt 46% kế hoạch năm, giảm 1,9%, giảm 161 tấn so với cùng kỳ. Vùng nuôi cá lồng bè tập trung ở huyện Long Hồ và TP Vĩnh Long. Hiện nay, nhiều cơ sở nuôi lồng bè chuyển sang thả nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế khác (cá lăng, trắm cỏ, cá chốt, cá xác sọc, tai tượng,…) để tăng giá trị sản xuất và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.

Bài, ảnh: Nguyễn Khang

Nguồn: Báo Vĩnh Long

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!