(TSVN) – Khai thác IUU là một vấn đề cấp bách, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản mà còn liên quan đến uy tín của ngành thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều tỉnh thành của Việt Nam đang nỗ lực, đẩy mạnh các biện pháp chống khai thác IUU để đón Đoàn Thanh tra của EC vào khoảng tháng 9. Đây là cơ hội cuối để Việt Nam gỡ được “thẻ vàng” và gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào EU.
Với những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, công tác triển khai hoạt động phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp tại các địa phương được xem là “điểm nóng” đang có sự chuyển biến tích cực.
Để quyết tâm khắc phục triệt để khai thác IUU, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương quyết liệt thực hiện cao điểm nhằm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, các quy định về chống khai thác IUU, nhất là tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ 100% tàu cá đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng Giao cho Sở NN&PTNT tổ chức hướng dẫn UBND các địa phương, các chủ tàu cá lập hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, cam kết/chứng nhận an toàn thực phẩm, kẻ vẽ biển số đăng ký, đánh dấu tàu cá và cập nhật đầy đủ dữ liệu trên Hệ thống quản lý nghề cá quốc gia (VNFishbase) cho 1.489 tàu cá đang hoạt động, hoàn thành trước ngày 30/8/2024.
Xử lý dứt điểm đối với tàu cá “3 không”. Ảnh minh họa
Đặc biệt, xử lý dứt điểm đối với tàu cá “3 không” và tàu cá tuyến khơi thường xuyên mất tín hiệu VMS trên biển; thực hiện đúng thủ tục xóa tên tàu cá không đủ điều kiện hoạt động hay đã chuyển nhượng chủ tàu sang địa phương khác (đảm bảo năm rõ danh sách, hiện trạng tàu cá xóa đăng ký); kiểm soát, xử lý tình trạng tàu cá sang tên, đổi chủ, chuyển nhượng hoặc mua bán phải đảm bảo thực hiện theo quy định; hoàn thiện hồ sơ số liệu tàu cá trên địa bàn tỉnh, đảm bảo số liệu tàu cá phải khớp, thống nhất giữa báo cáo của các địa phương và trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), thống nhất giữa các cơ quan chức năng để phục vụ tài liệu minh chứng khi làm việc với Đoàn Thanh tra của EC theo quy định.
Theo số liệu thống kê, tính đến nay trên toàn tỉnh, số tàu cá đã được đăng ký là 1.230/1.230 chiếc; đánh dấu tàu cá là 1.219/1.230 chiếc, tỷ lệ đạt 99,11%; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 496/545 chiếc, đạt 91,01%. Số tàu cá dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) là 539/545 chiếc, đạt tỷ lệ 98,90%; số tàu cá còn lại chưa lắp thiết bị VMS do tàu ngừng hoạt động nằm bờ, tàu chưa hoạt động…
Hiện nay, tỉnh Nam Định còn 27 tàu cá “3 không” có chiều dài từ 12m trở lên chưa đăng ký, cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục triển khai rà soát các tàu cá “3 không” trên toàn địa bàn để thực hiện các thủ tục đăng ký tàu cá theo quy định.
Sở NN&PTNT tỉnh này cho biết tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu chấm dứt. Công tác thi hành quyết định xử phạt hành chính đối với trường hợp tàu cá bị nước ngoài bắt giữ chưa hiệu quả, chưa xử lý được các trường hợp tàu cá mất kết nối VMS trên 6 giờ khi hoạt động trên biển. Lãnh đạo tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản tiếp tục rà soát, kiểm tra và hướng dẫn thủ tục đăng ký tàu cá theo quy định.
Đối với nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài (có chiều dài từ 12 đến dưới 15m) làm nghề câu mực thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía nam, hằng năm không về địa phương, yêu cầu lắp đặt thiết bị VMS theo chỉ đạo của tỉnh Bình Định; nếu không lắp đặt thì tạm thời thu hồi giấy phép, đồng thời tạm dừng việc cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với nhóm tàu cá này. Chỉ thực hiện cấp và cấp lại giấy phép khai thác thủy sản đối với nhóm tàu cá này sau khi đã lắp đặt thiết bị VMS.
Theo thống kê, tỉnh có 2.084/2.373 tàu đăng kiểm, đạt 87,82%; còn 289 tàu chưa đăng kiểm. Tàu được cấp giấy phép 2.432/3.026 tàu, đạt 80,37%. Ngoài ra, tàu cá diện “3 không” đã đăng ký 263 chiếc, đạt 23,54% (đều là tàu có chiều dài dưới 12m, thuộc diện không phải đăng kiểm). Có 2.006/2.034 tàu cá thuộc diện bắt buộc đã lắp đặt thiết bị giám sát, đạt 98,62%, trong đó tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát là 28 tàu.
Bến Tre đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong chống khai thác IUU. UBND tỉnh chỉ đạo lắp đặt giám sát hành trình, khắc phục tàu cá thuộc diện “3 không”; đào tạo nghề cho con em của ngư dân để từng bước chuyển đổi nghề nghiệp, đảm bảo số lượng tàu phù hợp khai thác tại vùng biển Việt Nam, không vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và chính sách hỗ trợ chủ tàu, ký kết các quy chế phối hợp giữa 8 tỉnh gồm: Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Tiền Giang, Bình Thuận. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh. Kết quả có chuyển biến tích cực. Từ đầu năm 2024 đến nay, không ghi nhận tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nhằm phát huy ý thức trách nhiệm, tính chủ động trong công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Sắp tới, để phòng chống IUU đạt kết quả, UBND tỉnh chỉ đạo Bộ đội Biên phòng kiểm soát chặt chẽ tàu xuất, nhập bến, các cảng cá kiểm soát chặt chẽ tàu cập cảng, rời cảng, kiên quyết không cho xuất bến, nhập bến, cập cảng, rời cảng đối với các tàu không có đủ giấy tờ, chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Thường xuyên cập nhật danh sách các tàu không đủ điều kiện hoạt động gửi lực lượng kiểm soát của các tỉnh trong khu vực, Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 và 4 đề nghị hỗ trợ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nếu phát hiện tàu hoạt động.
Trong cuộc họp đánh giá công tác gỡ thẻ vàng IUU được tổ chức mới đây, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản thông tin: Hiện các tàu cá đã lắp thiết bị VMS đạt tỷ lệ 98,43%; đối với các tàu chưa lắp, các địa phương cơ bản đã quản lý. Từ đầu năm đến ngày 31.7, tàu mất kết nối VMS còn diễn ra ở các địa phương như: Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận… Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm còn chậm, chủ yếu là cảnh cáo và nhắc nhở, việc xử phạt còn hạn chế. Nhiều địa phương sau khi xử phạt, việc cập nhật lên hệ thống còn chậm…
Để đáp ứng năng lực quản lý và công tác chống khai thác IUU có hiệu quả và sớm tháo gỡ thẻ vàng, Cục Thủy sản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương cùng vào cuộc quyết liệt để xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm; cơ sở pháp lý cơ bản đã đầy đủ thì đề nghị đưa ra xét xử, truy tố những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần bố trí vốn, nguồn lực để nâng cấp hệ thống VMS và tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia nghề cá thành một hệ thống quản lý chung đồng bộ, đầy đủ các tính năng phục vụ công tác giám sát tàu cá; tập trung giám sát hành trình đối với tàu cá, nhất là tại các địa phương có đội tàu cá lớn như Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận.
Hương Thảo