THỨ NĂM, ngày 9/1/2025

Giải bài toán nuôi tôm công nghệ cao

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nói đến mô hình nuôi tôm công nghệ cao, giới nuôi tôm thường gán cho cụm từ “Mô hình 3 siêu”, đó là: Siêu đầu tư, siêu lợi nhuận và cũng siêu rủi ro. Điều này phần nào lý giải lý do vì sao cho đến thời điểm hiện tại mô hình này chỉ mới chiếm một phần diện tích nuôi tôm khá khiêm tốn. Do đó, một trong những vấn đề quan trọng là làm sao hóa giải “2 siêu” còn lại thì mô hình này mới có thể nhân rộng và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế như kỳ vọng.

Công nghệ cao – Lợi nhuận cao

Dù diện tích nuôi thực tế chỉ chiếm 20 – 25% tổng diện tích, nhưng nếu xét về giá trị lợi nhuận tuyệt đối trên một đơn vị diện tích thì mô hình nuôi tôm công nghệ cao (hay còn gọi là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao) là ưu việt nhất, nhờ vào lợi thế nuôi được mật độ cao (năng suất cao) và nuôi được nhiều vụ trong năm (2 – 4 vụ/năm).

Theo ước tính của người nuôi tôm, nếu gặp điều kiện thuận lợi, tôm nuôi trúng mùa, thì mỗi ha (trong đó có 2.000 – 2.500 m² ao nuôi) sẽ cho sản lượng 10 – 20 tấn tôm/vụ là chuyện bình thường. Với sản lượng trên, nếu gặp thời điểm tôm có giá cao thì người nuôi thu lãi tiền tỷ là không khó. Đây cũng là lý do vì sao ông Võ Văn Phục – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (VinaCleanfood) đã từng tuyên bố một cách khẳng khái: “Chỉ cần có con giống và nguồn nước tốt thì ngành tôm Việt Nam không ngại gì chuyện cạnh tranh về giá, ngay cả với tôm của Ecuador”.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao được áp dụng tại hầu hết các vùng nuôi ở ĐBSCL, góp phần gia tăng sản lượng tôm nuôi. Ảnh: Xuân Trường

Với ưu thế lợi nhuận như trên, những năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp và trang trại quy mô lớn đều đầu tư nâng cấp lên mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Tại Sóc Trăng, nơi có diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh lớn nhất cả nước cũng có không ít diện tích chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao. Lớn nhất phải kể đến 2 trang trại của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta với khoảng 550 ha, hay như trang trại của VinaCleanfood cũng gần 200 ha với đa số là ao tròn nổi.

Nếu như trước đây, việc nâng cấp lên mô hình nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi người nuôi phải có diện tích lớn (từ 10 ha trở lên) thì gần đây, kể cả hộ nuôi quy mô chỉ 1 ha cũng có thể nuôi tôm theo mô hình này. Đây được xem là nỗ lực của các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào trong việc đưa mô hình nuôi tôm công nghệ cao đến với mọi người nuôi tôm.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, qua thống kê của các tỉnh nuôi tôm khu vực ĐBSCL thì số diện tích nuôi tôm công nghệ cao của mỗi tỉnh hầu hết đều dưới 10.000 ha/tỉnh. Ngay như tỉnh Bạc Liêu, nơi đang phấn đấu trở thành thủ phủ của ngành tôm Việt Nam, dù đã đầu tư hẳn cả một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dành riêng cho nuôi tôm nhưng số diện tích nuôi theo mô hình này cũng chưa đến 7.000 ha. Đây là điều không quá bất ngờ, bởi muốn chuyển sang nuôi theo mô hình này, đòi hỏi cần có sự đồng bộ của rất nhiều yếu tố, từ quy hoạch vùng nuôi, đến đầu tư cơ sở hạ tầng (thủy lợi, điện, giao thông); từ công tác quản lý chất lượng, giá cả vật tư đầu vào (con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học,…) đến tổ chức sản xuất, bảo vệ môi trường và đặc biệt không thể thiếu là chính sách tín dụng và đào tạo nguồn nhân lực nuôi tôm chất lượng cao.

Nhận diện điểm nghẽn

Ai cũng biết, để đầu tư nuôi tôm mật độ cao thôi, chứ chưa nói đến ứng dụng công nghệ cao cần phải có nguồn kinh phí rất lớn. Theo ước tính, để nâng cấp từ mô hình nuôi truyền thống sang nuôi ao lót bạt mật độ cao, người nuôi cần có ít nhất là 1 tỷ đồng cho mỗi ha. Trong đó, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng (cải tạo ao, máy móc, trang thiết bị,…) khoảng 400 – 500 triệu đồng/ha, chi phí đầu tư cho vụ nuôi đầu tiên (con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, điện, nhân công,…) cũng lên tới 400 – 500 triệu đồng.

Con số trên chỉ là phần chi phí tối thiểu, bởi theo ông Võ Đoàn Trung Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Đại Ngư Nghiệp (Sóc Trăng), nuôi tôm hay nuôi thủy sản gì khác đều có rủi ro, kể cả nuôi công nghệ cao thì tỷ lệ thành công cao nhất cũng chỉ 80 – 90%. “Vì vậy, người nuôi cần có nguồn vốn ít nhất cho 3 vụ để không may, xác suất thiệt hại 10 – 20% này rơi vào ngay vụ đầu vẫn còn vốn để duy trì sản xuất, tìm thấy lợi nhuận ở những vụ nuôi tiếp theo”, ông Dũng chia sẻ.

Chất lượng con giống có tính quyết định đến tỷ lệ thành công và hiệu quả kinh tế của nghề nuôi tôm

Đây cũng chính là rào cản lớn nhất ngăn chặn sự phát triển của mô hình nuôi tôm công nghệ cao do phần lớn người nuôi tôm thiếu vốn, nhưng lại khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn.

Ngay cả ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú cũng kêu khó về vấn đề này tại buổi tọa đàm: “Vì một ngành tôm phát triển bền vững” do VASEP phối hợp cùng Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận tổ chức Ngày 24/5/2023, tại TP Hồ Chí Minh. Ông Quang phản ánh: “Do tỷ lệ nuôi tôm thành công ở mức quá thấp nên ngay cả vùng nuôi của Minh Phú dù được tập đoàn bảo lãnh nhưng ngân hàng vẫn không dám cho vay”.

Không chỉ có khó khăn về nguồn vốn, mô hình nuôi tôm công nghệ cao còn vấp phải khó khăn không kém phần nan giải khác là nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế cho thấy, đã có không ít trang trại, doanh nghiệp có đầy đủ tiềm lực tài chính, đầu tư rất bài bản, nhưng chỉ sau vài vụ nuôi đã phải rút lui vì không tìm đâu ra đủ người để vận hành trang trại nuôi công nghệ cao một cách hiệu quả. Chuyện thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nuôi tôm là không mới nhưng việc giải quyết khó khăn này đến nay vẫn khá chậm mà nguyên nhân một phần do công tác đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu việc làm, phần khác do người lao động có trình độ, tay nghề thường không muốn về các farm nuôi, mà phần lớn đầu quân cho các công ty cung ứng vật tư đầu vào để có mức lương cùng cơ hội thăng tiến trong công việc.

Bên cạnh 2 khó khăn trên, thì điều kiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi, đặc biệt là thủy lợi và điện cũng là trở ngại lớn cho mô hình nuôi tôm công nghệ cao phát triển. Hệ thống thủy lợi tại các vùng nuôi vừa thiếu, vừa không đồng bộ giữa cấp và thoát nước, trong khi mô hình nuôi tôm công nghệ cao luôn có nhu cầu về nguồn nước rất lớn. Mạng lưới điện 3 pha phục vụ nuôi tôm nói chung hiện chỉ mới đáp ứng yêu cầu chưa tới 50% số diện tích nuôi, nên tại nhiều vùng nuôi, người nuôi vẫn chưa thể chuyển sang nuôi công nghệ cao được, dù có đủ các điều kiện về đất đai, nguồn vốn,…

Trở lại với tuyên bố của ông Phục: “Chỉ cần có con giống và nguồn nước tốt thì ngành tôm Việt Nam không ngại gì chuyện cạnh tranh về giá, ngay cả với tôm của Ecuador” để thấy rằng, chất lượng con giống cũng là một yếu tố quan trọng, nếu không muốn nói là có tính quyết định đến tỷ lệ thành công của nghề nuôi tôm nói chung và nuôi tôm công nghệ cao nói riêng.

Chất lượng con giống cùng với nguồn nước chưa được đảm bảo chính là 2 nhân tố quan trọng cấu thành nên “siêu rủi ro” cho nghề nuôi tôm nói chung và nuôi tôm công nghệ cao nói riêng, là vật cản sự phát triển của mô hình nuôi tôm công nghệ cao thời gian qua.

Lời giải nào cho nuôi tôm công nghệ cao?

Có thể nói, mục tiêu phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao của các tỉnh nuôi tôm trọng điểm ở ĐBSCL là rất lớn. Ngay cả các tỉnh có diện tích nuôi tôm không quá lớn như: Bến Tre hay Trà Vinh cũng đều nhận thấy việc phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao là xu thế tất yếu, không chỉ giúp gia tăng sản lượng, mà còn giúp nâng cao chất lượng, giảm giá thành và đáp ứng các tiêu chí về sản xuất xanh.

Điều này là hợp lý, bởi theo TS. Nguyễn Duy Hòa – Giám đốc kỹ thuật toàn cầu ngành hàng Empyreal & Motiv Cargill Inc: “Do quy mô diện tích hộ nuôi nhỏ, nên chúng ta không thể nuôi mật độ thưa như Ecuador vì như thế lợi nhuận không đủ đáp ứng nhu cầu đời sống hàng ngày của hộ nuôi. Do đó, giải pháp tốt nhất vẫn là đeo đuổi mô hình nuôi tôm mật độ cao; trong đó, nuôi tôm công nghệ cao là mô hình có nhiều ưu thế nhất”.

Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiện nay là không thiếu, nếu không muốn nói là khá đa dạng, phong phú và đã được chứng minh tính hiệu quả qua thực tế triển khai tại các vùng nuôi. Cái thiếu còn lại của người nuôi muốn chuyển sang nuôi công nghệ cao phần lớn rơi vào nguồn vốn, khi hầu hết các ngân hàng đều rất thận trọng trong việc đầu tư cho nuôi tôm, do rủi ro thì lớn, nhưng lại chưa có bảo hiểm đi kèm.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam, hiện hầu hết các mô hình nuôi tôm công nghệ cao quy mô nhỏ và vừa đều sử dụng nguồn vốn từ các đại lý cung ứng vật tư đầu vào. Tuy nhiên, kể từ sau dịch COVID-19 đến nay, nguồn vốn này cũng bị thu hẹp dần do việc thu hồi vốn đầu tư của đại lý quá khó khăn mà nguyên nhân chủ yếu là do giá tôm giảm mạnh.

Do đó, cần có một chính sách tín dụng riêng cho lĩnh vực này để người nuôi có thêm cơ hội ứng dụng mô hình. Thực tế thời gian qua cũng đã có một số ngân hàng thương mại như HD Bank phối hợp cùng đại lý của công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam và địa phương đầu tư cho người nuôi mang lại hiệu quả khá cao.

Đóng góp cho giải pháp phát triển nghề nuôi tôm nói chung và nuôi công nghệ cao nói riêng, ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đề xuất tập trung vào 03 vấn đề chính:

Thứ nhất, cung cấp thông tin theo nhu cầu của người nuôi về chất lượng con giống của từng trại giống và cùng với đó là diễn biến giá tôm thế giới.

Thứ hai, tìm nguồn vốn cho người nuôi thông qua việc hướng họ tham gia vào chuỗi liên kết mới với sự tham gia của các mắt xích khác trong chuỗi giá trị con tôm, như: Thức ăn, chế phẩm nuôi, thương lái và không thể không có vai trò hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Thứ ba, Chính phủ, bộ ngành, địa phương cần quan tâm nhiều hơn trong việc đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi.
Dù còn nhiều rủi ro, rào cản nhất định, nhưng trước xu thế phát triển của ngành tôm cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành và người nuôi tôm, hy vọng tới đây, mô hình nuôi tôm công nghệ cao sẽ có sự phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và sự kỳ vọng để góp phần nâng cao tính cạnh tranh và giữ vững vị thế của ngành tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Nuôi tôm công nghệ cao được xem là chìa khóa vàng để giải quyết nhiều vấn đề của ngành tôm Việt Nam. Mô hình hứa hẹn mang lại sản lượng vượt trội, tiết kiệm diện tích nuôi, giảm chi phí sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định. Điều này không chỉ giúp tăng khả năng cạnh tranh của tôm Việt trên thị trường quốc tế, hiện thực hoá mục tiêu gia tăng kim ngạch xuất khẩu, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi tôm.

Mặc dù tiềm năng lớn, nuôi tôm công nghệ cao vẫn chưa thể bứt phá như mong đợi. Không chỉ vậy, năng suất tôm công nghệ cao đang có xu hướng giảm dần, phơi bày những rủi ro tiềm ẩn của mô hình này. Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải ngậm ngùi từ bỏ nuôi siêu thâm canh công nghệ cao do hiệu quả kinh tế không cao và rủi ro quá lớn.

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!