THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

Hòa Bình: Nuôi cá lăng nha trong lồng theo chuẩn Vietgap

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hoà Bình đã triển khai thực hiện xây dựng mô hình nuôi cá lăng nha trong lồng tại hồ chứa thủy điện Sơn La – Hoà Bình theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm khuyến khích mở rộng mô hình nuôi cá lăng thương phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Tiềm năng mặt nước lớn

Hồ Hòa Bình là hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nằm trên sông Đà có chiều dài 230 km, dung tích khoảng 9,45 tỷ m³. Đập chính của hồ nằm tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Với lợi thế có tổng diện tích mặt nước rộng trên 8.800 ha, lòng hồ rộng lớn với hàng trăm đảo nhỏ nhấp nhô trên mặt nước được ví như vịnh Hạ Long ở trên núi, hồ Hòa Bình không chỉ là địa điểm phát triển du lịch mà còn là nơi nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế.

Nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa có ưu thế là nước sạch, hàm lượng ôxy lớn nên cá lớn nhanh, ít bị bệnh, chất lượng thịt ngon, vị ngọt, thơm. Việc nuôi cá lồng giúp cung cấp sản phẩm tại chỗ, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc sinh sống quanh khu vực lòng hồ, đồng thời giải quyết việc làm cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo,…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ chia sẻ, nghề nuôi cá lồng khu vực lòng hồ Sông Đà phát triển đã đóng góp tỷ trọng khá cao trong tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh. Toàn tỉnh Hòa Bình có 2.700 ha diện tích mặt nước với 4.940 lồng nuôi cá, sản lượng thu hoạch ước đạt 9.210 tấn/năm.

Hiện nay, phong trào nuôi cá lồng bè của các hộ dân, doanh nghiệp đã phát triển khá mạnh, tập trung ở một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện ven lòng hồ sông Đà như Mai Châu, Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc,… với các loại cá có giá trị kinh tế cao như trắm, rô phi đơn tính, chiên, ngạnh, nheo, bỗng, tầm,…

Nuôi cá đặc sản cho hiệu quả cao

Với tiềm năng, lợi thế từ hồ thủy điện, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình đã khảo sát, lựa chọn các hộ có kinh nghiệm, có nhân lực, lồng bè nuôi và cam kết đối ứng theo yêu cầu của mô hình nuôi cá lăng nha trong lồng tại hồ chứa thủy điện Sơn La – Hoà Bình theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đây là năm thứ 2 Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình triển khai mô hình.

Sau khi khảo sát đã lựa chọn 2 hộ nuôi cá lồng tại xã Tiền Phong và xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc tham gia mô hình. Quy mô 350 m³ lồng với 7.000 con cá, trong đó nhà nước hỗ trợ 70%, người dân đối ứng 30%. Người dân được hỗ trợ cám, thuốc phòng bệnh, Vitamin C, men tiêu hóa. Trước khi cấp giống các hộ được tập huấn kỹ thuật.

Ông Xa Ngọc Hưng, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc cho biết, sau khi tiếp nhận cá giống lăng nha, được hướng dẫn kỹ thuật nuôi, gia đình ông đã chủ động áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, ghi chép đầy đủ sổ nhật ký chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị bệnh cho cá. Giống như các giống cá lăng khác, cá lăng nha thích ứng nhanh và khá phù hợp để phát triển nuôi thương phẩm trên lòng hồ thủy điện. Hiện nay, đàn cá phát triển tốt, dự kiến sau 11 tháng cá có thể xuất bán trọng lượng đạt từ 1,2 kg/con trở lên.

Thả cá giống tại mô hình nuôi cá lăng nha trong lồng tại hồ chứa thủy điện Sơn La – Hoà Bình theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: TTKNHB

Còn ông Xa Văn Hùng, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc chia sẻ, việc tham gia mô hình theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cá an toàn ở địa phương giúp mở ra nhiều cơ hội phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho gia đình.

Mô hình nuôi cá lăng nha trong lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP là điểm trình diễn cho các hộ nuôi cá lồng địa phương tham quan, học tập kinh nghiệm. Qua thực hiện mô hình, các hộ tham gia sẽ tuyên truyền, tiếp tục tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật lại cho các hộ dân địa phương áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi cá lăng nha, nhân rộng mô hình ra cộng đồng, góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế mới, tạo việc làm, thu nhập cho các hộ dân vùng lòng hồ.

Trong năm 2025 và giai đoạn 2025 – 2027, ngành Khuyến nông Hòa Bình phấn đấu xây dựng  khoảng 75 loại mô hình trình diễn khuyến nông chuyển giao kỹ thuật cho trên 2.300 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, trên 55% mô hình kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm, xây dựng thượng hiệu sản phẩm.

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình Tiếp tục mở các lớp tập huấn đào tạo cho khoảng 1.800 lượt cán bộ khuyến nông các cấp về chuyên ngành khuyến nông và tiến bộ kỹ thuật nông, lâm ngư nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển khuyến nông điện tử, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin khuyến nông phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động khuyến nông và tiếp nhận thông tin phản hồi từ thực tế sản xuất.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!