Mùa nước nổi hàng năm được xem là mùa làm ăn, mùa sinh lợi của người dân nơi vùng lũ, bởi sản vật cá, tôm, cua, ốc cùng nhiều loài thủy sinh có giá trị thương phẩm cao… được thiên nhiên ban tặng rất dồi dào.
Nhộn nhịp mùa vụ mới
Đầu tháng tám, khi những dòng phù sa ngầu đục từ thượng nguồn Campuchia tràn về trên dòng kênh Bảy Xã, chúng tôi có dịp trở lại xã Phú Hữu (An Phú, An Giang) chứng kiến không khí chuẩn bị vào mùa của người dân vùng lũ. Ở Phú Hữu vào mùa nước nổi, hầu hết người dân mưu sinh bằng nghề câu lưới, đặt lọp, đặt lú… để khai thác nguồn lợi thủy sản.
Ấp Phú Lợi được xem là nơi có đông ngư dân sống bằng nghề câu lưới. Không chỉ quanh năm gắn bó với nghề này, mà có nhà tới 2 – 3 thế hệ nối tiếp sinh sống bằng nghề sông nước. Anh Tâm, một ngư dân sinh sống bằng nghề câu lưới cho biết, do khu vực này tiếp giáp Campuchia, vào mùa mưa lũ sản vật rất phong phú. Anh cho biết, năm trước, với 4 cái lú mỗi ngày có thể thu hoạch hàng chục ký cá, tôm. Đồng trống nên dân tập trung về đây khai thác nguồn lợi thủy sản rất đông. Hầu hết là làm nghề câu lưới, đặt lú, dớn, lọp cá linh, lọp cua… suốt mùa lũ. Với tay chỉ chiếc lú đặt dưới lòng sông, anh Hiền (một ngư dân kỳ cựu) cho biết, nước mới “quay” vài tuần nay nhưng đã xuất hiện nhiều loại cá ngon, như: Chạch lấu, cá lăng, cá éc… Với 6 cái lú, trung bình mỗi đêm anh kiếm hơn chục ký cá, tôm, ăn không hết, anh mang ra chợ quê bán cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng.
Đánh bắt thủy sản trên đập tràn Trà Sư (Tịnh Biên) trong mùa lũ.
Dân đặt lú ở Phú Hữu hầu như ai cũng biết đến tư Dững (ấp Phú Hiệp), người có nhiều kinh nghiệm sông nước. Hôm chúng tôi ghé nhà, ông hì hục cùng gần chục người trong gia đình chuẩn bị phương tiện để đánh bắt cá trong mùa nước nổi. Ngay dưới nhà sàn, người thì vót tre làm cọc, người nứt hom, uốn vành… Còn phía trên sàn nhà, mấy phụ nữ ngồi ken lưới. Ông tư Dững cho biết, năm nay đầu tư gần 40 triệu đồng làm 10 cái lú loại lớn (dài 12m, đường kính 7,5 tấc), mặt lưới 3 phân rưỡi để bắt các loại cá lớn. Theo hướng tay chỉ của tư Dững, tôi đếm sơ sơ có gần chục cái lú của người dân “vèo” sẵn hai bên sông. Ông cho biết “Mình làm nghề bà cậu, chim trời cá nước, ai bắt được nấy hưởng. Tới mùa nước nổi, lú đặt kín hai bên mé, cá chui vô lú ai thì người đó được”. Nhánh sông Hậu từ ngã ba Dung Thăng (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú) đổ xuống TP. Châu Đốc có nhiều giàn đáy đang hoạt động. Giàn “đáy nhất” giáp biên giới Campuchia giá đến 600 triệu đồng.
Trong mùa lũ về, nhiều ngành nghề “ăn theo” như các cơ sở đóng xuồng cui, tam bản, cơ sở làm lưới, lưỡi câu cũng tất bật chuẩn bị từ hơn 1 tháng nay. Mỗi năm cứ vào mùa nước nổi, ở các xóm làm xuồng cung cấp hàng ngàn chiếc xuồng lớn, nhỏ phục vụ nhu cầu đánh bắt thủy sản của ngư dân. Ông Trần Thiện Tâm, tổ trưởng làng nghề làm lưỡi câu (khóm Tây Khánh 8, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cho biết: Hằng năm, khoảng đầu tháng 6 đến tháng 9, lưỡi câu được sản xuất và tiêu thụ mạnh, thương lái đến đặt hàng nhộn nhịp.
Còn ở khu vực chợ chài lưới Thơm Rơm nằm trên Quốc lộ 91 thuộc quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ), những ngày qua bắt đầu nhộn nhịp ngư dân từ các địa phương ở An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… đổ về mua sắm. Ngư dân vùng lũ An Phú, Tân Châu, Châu Phú… cũng tìm đến chợ lưới Thơm Rơm để chuẩn bị phương tiện cho mùa lăm ăn của mình.
An dân trong mùa lũ
Nước lũ về kéo theo là sự xuất hiện của cá, tôm dồi dào. Ngư dân vùng lũ luôn mơ có một mùa “lũ đẹp” với sự bình yên, an toàn, làm ăn khấm khá. Tuy nhiên, ở đầu nguồn Tân Châu, An Phú, cứ mỗi bận lũ về lại có biết bao lo toan, từ lãnh đạo địa phương đến từng người dân sinh sống nơi đầu sóng, ngọn gió. Từ chủ động chằng, chống nhà cửa để bảo vệ an toàn chỗ ở cho các hộ dân, gia cố hàng trăm km đê bao, đến củng cố Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão- tìm kiếm cứu nạn các cấp… đều được chuẩn bị từ rất sớm.
Các địa phương cũng đã triển khai kế hoạch tổ chức dạy bơi cho trẻ, tổ chức các điểm giữ trẻ, củng cố các chốt, điểm tìm kiếm cứu nạn (ở An Phú sẽ có 37 điểm giữ trẻ trong mùa lũ, 26 điểm đưa rước học sinh, 58 chốt cứu hộ cứu nạn); tu sửa đê bao, cầu đường bị hư hỏng, di dời nhà dân đến nơi an toàn.
Những năm qua, tỉnh nỗ lực phối hợp triển khai nhiều dự án nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản người dân vùng lũ. Dự án “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” (QLRRTTDVCĐ) đã được triển khai tại 2 huyện An Phú và Châu Phú. Dự án do AusAID và CARE Australia tài trợ trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa các tổ chức phi Chính phủ (ANCP) nhằm nhân rộng đề án 1002 của Chính phủ Việt Nam về “Nâng cao nhận thức cộng đồng và “QLRRTTDVCĐ” đến năm 2020” tại 4 xã Thạnh Mỹ Tây, Bình Phú (Châu Phú) và Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu (An Phú). Trong đó, Chương trình đã tạo 8 mô hình sinh kế cho người dân nhằm tạo khả năng phục hồi khi thiên tai xảy ra.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay số cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông khoảng 11-13 cơn – mức cao hơn trung bình nhiều năm, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta 5 – 6 cơn. Dự kiến, đến ngày 15-9, đập Tha La và Trà Sư được mở xả lũ ra biển Tây nên mực nước tại các Trạm thủy văn trong vùng Tứ giác Long Xuyên lên nhanh từ 3-5 cm mỗi ngày. Do đó, nhiệm vụ cấp thiết ở khu vực vùng trũng Tứ giác Long Xuyên là tăng cường kiểm tra hệ thống cống, đê bao để bảo vệ diện tích sản xuất, nuôi trồng thủy sản, di dời dân vùng ngập lũ đến nơi an toàn.