TP Hà Nội: Xây dựng ngành thủy sản bền vững, thân thiện với môi trường

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – TP Hà Nội đang xây dựng kế hoạch phát triển thủy sản đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tầm nhìn đến năm 2045, TP Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng một ngành thủy sản bền vững, thân thiện với môi trường và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhiều lợi thế 

TP Hà Nội có mặt nước nuôi trồng thủy sản là 30.840 ha (trong đó ao, hồ nhỏ là 6.706 ha; hồ chứa mặt nước lớn 4.327 ha; ruộng trũng là 19.807 ha). Bên cạnh đó còn có nhiều các sông như lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Tích, sông Bùi… chạy qua có thể cho người dân nuôi trồng, khai thác thủy sản. Đồng thời TP Hà Nội còn có nhiều hồ phân bố tại các quận, huyện, thị xã; các huyện ngoại thành có nhiều hồ nhỏ, có một số hồ có diện tích lớn như hồ Suối Hai (1.000ha), hồ Đồng Mô (1.400ha), hồ Quan Sơn (782ha),… Các hồ này có giá trị điều tiết nước sản xuất nông nghiệp và bảo tồn giá trị đa dạng sinh học cao.

Mô hình nuôi cá sông trong ao ở huyện Ứng Hòa cho hiệu quả cao. Ảnh: HNMO

Để phát huy lợi thế, tận dụng nguồn lợi thủy sản, những năm qua, thành phố đã tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản và đã hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn tại các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thường Tín, Ba Vì… Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 đạt 24,5 nghìn ha (chủ yếu là diện tích nuôi cá), tăng 1,8% so năm 2022; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 127,4 nghìn tấn, tăng 3,2% so năm 2022.

Tháng 7/2024, sản lượng thủy sản ước đạt 11,1 nghìn tấn (chủ yếu sản lượng cá), tăng 3,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 10,9 nghìn tấn, tăng 3,6%; thủy sản khai thác 206 tấn, giảm 1%. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản đạt 70 nghìn tấn, tăng 3,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 69,1 nghìn tấn, tăng 3,5%; thủy sản khai thác 870 tấn, giảm 1%.

Thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng

Tuy nhiên, theo đánh giá, ngành thủy sản của thành phố hiện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện tại, vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung năng suất mới đạt hơn 10 tấn/ha/năm; vùng nuôi trồng thủy sản truyền thống chỉ đạt 4 – 5 tấn/ha/năm. Nguyên nhân là do ngành hàng này còn gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. Điển hình như nguồn nước cung cấp cho thủy sản chủ yếu từ các sông lớn, nhưng đều trong tình trạng bị ô nhiễm. Thêm nữa, giá thức ăn cho thủy sản ngày càng tăng cao, đầu ra lại bấp bênh, khiến người nuôi khó mở rộng diện tích. Cùng đó, hệ thống cơ sở hạ tầng ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chưa được đầu tư đồng bộ, còn chắp vá gây hạn chế cho việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Để khắc phục tình trạng này, TP Hà Nội đã chỉ đạo các huyện Thường Tín và Thanh Trì khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ cao. Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội cho biết, Sở cũng phối hợp với các địa phương mở các khóa tập huấn, đào tạo về công tác quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng và quan trắc, cảnh báo môi trường trong thủy sản.

TP Hà Nội đang xây dựng kế hoạch phát triển thủy sản đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm thủy sản và xây dựng các vùng nuôi công nghiệp, công nghệ cao sản xuất thủy sản hàng hóa lớn. Mục tiêu đến năm 2030 là đạt diện tích chăn nuôi thủy sản 25.000 ha, trong đó vùng chăn nuôi thủy sản tập trung là 10.000 ha với năng suất khoảng 15 tấn/ha/năm, đưa ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố, đáp ứng nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu.

Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản có áp dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, đặc biệt là trong khâu quản lý môi trường và dịch bệnh bằng chế phẩm sinh học. Các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái và áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) được khuyến khích để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!