T5, 22/08/2024 01:49

Bình Thuận: Xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác, hậu cần nghề cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Mục tiêu đến năm 2030, đáp ứng cho tàu cá có chiều dài lớn nhất trên 30m vào neo đậu, tránh trú bão an toàn (của tỉnh Bình Thuận và các tỉnh có tàu cá hoạt động trên ngư trường vùng biển Bình Thuận và các khu vực biển lân cận).

Đảm bảo an toàn cho người và phương tiện thực hiện công tác cứu nạn trên vùng biển tỉnh Bình Thuận và một số tỉnh lân cận.

Đảm bảo năng lực tập kết, bốc dỡ, phân loại, trung chuyển và dịch vụ tiêu thụ trong và ngoài tỉnh thông qua cảng cá đạt khoảng 25.000 tấn/năm, giảm thiểu tối đa tổn thất sản phẩm sau khai thác, đáp ứng các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, gia tăng giá trị thủy sản khai thác.

Đảo Phú Quý sẽ phát triển thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Ảnh: ST

Đầu tư nâng cấp, phát triển cảng cá Phú Quý kết hợp tránh trú bão cho tàu cá trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần cho khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển), thương mại nghề cá của khu vực và quốc gia; hỗ trợ hiệu quả cho nuôi biển, các tàu cá trong và ngoài tỉnh hoạt động trên ngư trường vùng biển Bình Thuận và các khu vực biển lân cận. Cải thiện căn bản điều kiện hạ tầng dịch vụ nghề cá trên đảo phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, nâng cao đời sống của ngư dân trên đảo.

Kiểm soát, phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); chấm dứt tình trạng tiêu thụ hải sản tại các bến tạm trên đảo, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác.

Tầm nhìn đến năm 2045, đảo Phú Quý trở thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, tìm kiếm cứu nạn trên biển; phát triển đồng bộ, toàn diện, hiện đại ngang tầm với các trung tâm dịch vụ hậu cần trong khu vực và trên thế giới; tích hợp, gia tăng giá trị các sản phẩm khai thác, nuôi biển; nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động khai thác, nuôi trồng và vận tải trên biển; bảo đảm quốc phòng an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác

Đầu tư, xây dựng hoàn thiện khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý theo quy định nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu, tránh trú bão an toàn cho tàu cá và ngư dân tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận hoạt động khai thác hải sản tại ngư trường Nam Trung bộ, Trường Sa, DK1, giúp giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và phương tiện hoạt động nghề cá; góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Đầu tư xây dựng tổ hợp cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy định, bao gồm trung tâm điều hành cảng; khu bến cảng, nhà tập kết, phân loại sản phẩm thủy sản, khu mặt nước, luồng, nhà quản lý, dịch vụ cảng, kho chuyên dụng, kho trung chuyển, khu xử lý nước thải, hệ thống cấp điện và chiếu sáng, hệ thống cấp nước ngọt, xăng dầu…

Đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy định, đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cảng cá, điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (trong đó 100% chất thải được xử lý, nước thải đạt chuẩn theo quy định của quy chuẩn nước thải công nghiệp).

Cùng đó, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát các hoạt động khai thác IUU. Cụ thể, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản trên biển, chống khai thác lưu thông qua việc áp dụng các giải pháp về khoa học, kỹ thuật, công nghệ chuyển đổi số như: đầu tư hệ thống camera giám sát tại các cảng cá, hệ thống theo dõi, giám sát hành trình tàu cá và hệ thống cơ sở dữ liệu tại các cảng cá…; chia sẻ, kết nối đồng bộ với các hệ thống giám sát, quản lý nghề cá của tỉnh, quốc gia và các đơn vị liên quan.

Kết nối giữa hệ thống kết cấu hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông (trên đảo và trên biển), điện lực, thông tin liên lạc, phòng, chống thiên tai và các hệ thống kết cấu hạ tầng khác phải đảm bảo thuận lợi đáp ứng được việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đấu nối, kết nối cho hoàn chỉnh hạ tầng của cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

Thực hiện quy định quản lý, kiểm tra, kiểm soát đảm bảo tất cả tàu cá khi xuất cảng phải được kiểm tra đủ điều kiện đi khai thác hải sản.

Tổ chức không gian vùng nuôi biển phù hợp với quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tỉnh; xây dựng chương trình đầu tư các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển ở những vùng có điều kiện thuận lợi.

Xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá

Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá gồm: chợ đầu mối; khu trưng bày và xúc tiến thương mại; khu mua bán sản phẩm, sơ chế thủy sản; khu mua bán vật tư, thiết bị, ngư lưới cụ, thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc; khu sửa chữa, sản xuất ngư cụ; khu cơ khí đóng sửa tàu cá đáp ứng cho tàu cá công suất lớn; cung cấp nhiên liệu, nước ngọt, nước đá, nhu yếu phẩm; cung ứng một số vật tư, thức ăn cho nuôi biển khu vực xung quanh đảo…

Phát triển dịch vụ cơ khí sửa chữa tàu cá đáp ứng nhu cầu phát triển và thích ứng với biến đổi khí hậu, cung ứng các dịch vụ kỹ thuật bảo dưỡng, bảo hành và thiết bị cơ khí thủy sản chuyên dụng. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong khai thác, bảo quản hải sản khai thác trên biển. Khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp tổ chức thu mua và dự trữ nguyên liệu từ nuôi trồng và khai thác hải sản để sơ chế, chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng cho xuất khẩu.

Xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm tìm kiếm cứu nạn trên biển

Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện phục vụ cứu nạn theo quy định cho Trạm tìm kiếm cứu nạn trên đảo Phú Quý trở thành trung tâm cấp vùng.

Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực cho các đơn vị làm công tác dự báo thiên tai theo hướng hiện đại và đồng bộ để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác cứu hộ, cứu nạn.

Đồng thời, củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế, phát triển nguồn nhân lực y tế trên đảo để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe ngư dân, người làm việc ở vùng biển. Nâng cao năng lực cấp cứu, vận chuyển, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích, thiên tai, thảm họa và các bệnh tật đặc thù vùng biển. Cung cấp kiến thức cho người dân, người làm việc ở vùng biển, người lao động trên tàu cá để tự bảo vệ sức khỏe, biết tự sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu, kêu gọi sự trợ giúp về y tế khi cần thiết…

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!