Khánh Hòa: Nguy cơ tàu cá nằm bờ

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời gian qua, chi phí chuyến biển tăng, trong khi sản lượng khai thác, giá bán đều giảm khiến cho hiệu quả chuyến biển thấp, nhiều chủ tàu cá rơi vào cảnh lỗ. Trước những khó khăn này, nhiều chủ tàu cá cho tàu nằm bờ để tránh thua lỗ.

Hiệu quả thấp, thua lỗ 

Những ngày này, một số tàu cá hoạt động nghề câu cá ngừ đại dương, nghề lưới vây khai thác cá ngừ sọc dưa lại chuẩn bị cho chuyến vươn khơi khai thác mới. Gặp chúng tôi khi đến Văn phòng Đại diện Thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng Hòn Rớ để thực hiện các thủ tục cho tàu ra khơi khai thác, ông Trần Hùng – chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá KH 90117 TS ở xã Phước Đồng (TP. Nha Trang) chia sẻ: “Khoảng 2 tháng nay, mỗi chuyến ra khơi khai thác khoảng 12 ngày, tàu lưới vây chúng tôi mất khoảng 60 triệu đồng chi phí, tăng khoảng 10% so với trước đó. Chi phí tăng chủ yếu do vật giá tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiệu quả chuyến biển không cao bởi sản lượng đánh bắt thấp, giá bán cá lại hạ. Đơn cử như chuyến biển gần đây, chúng tôi khai thác chưa đến 2 tấn cá ngừ sọc dưa, bán với giá 24.000 đồng/kg, giảm hơn 30% so với trước nên chỉ được hơn 45 triệu đồng, không đủ phí tổn”.

Nhiều tàu cá đang neo đậu tại cảng Hòn Rớ.

May mắn hơn, những chuyến biển gần đây, tàu lưới rê KH 90127 TS của gia đình ông Nguyễn Đức Thắng (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) ra khơi gặp luồng cá nên sản lượng khai thác được cao hơn so với tàu cá của ông Trần Hùng nhưng thu không đủ bù chi. Ông Thắng cho biết: “2 tháng nay, ở cảng Hòn Rớ, mọi chủ tàu đều lo lắng và phải tính toán kỹ cho mỗi chuyến đi biển đánh bắt cá. 4 chuyến biển gần đây, trung bình mỗi chuyến tàu chúng tôi chỉ khai thác được khoảng 3 tấn cá, giảm 20 – 30% so với trước, giá cá rớt nên chỉ thu được khoảng 70 triệu đồng, vừa đủ chi phí, chủ tàu phải bù lỗ tiền công cho bạn tàu”. 

Qua trao đổi với nhiều chủ tàu, thuyền trưởng tại cảng Hòn Rớ, chúng tôi được biết đây là thực trạng chung của nhiều tàu khai thác xa bờ hiện nay. Đối với tàu khai thác cá ngừ sọc dưa, ngoài chi phí tăng, sản lượng khai thác giảm, nguyên nhân chính khiến hiệu quả chuyến biển thấp, thậm chí thua lỗ là do giá cá giảm đến hơn 30%. Tương tự, các tàu câu cá ngừ vây vàng, mắt to hầu hết thua lỗ do chi phí tăng, giá bán cũng giảm từ 120.000 đồng/kg (tháng 4-2024) đến nay chỉ còn 105.000 đồng/kg; trong khi đó sản lượng khai thác rất thấp, tàu nhiều nhất chỉ 1 tấn/chuyến biển, đa phần chỉ 500 – 600kg/tàu/chuyến biển. Tìm hiểu qua các vựa thu mua cá tại cảng Hòn Rớ, nguyên nhân giá cá giảm chủ yếu là doanh nghiệp chế biến đang gặp khó khăn về đầu ra xuất khẩu, hàng tồn trong kho nhiều nên việc thu mua chậm lại, kéo theo giá cá giảm.

Cho tàu nằm bờ

Theo ông Nguyễn Văn Ba – Trưởng ban Quản lý cảng Hòn Rớ, hiện nay, toàn tỉnh có 3.266 tàu cá, trong đó 647 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chuyên hoạt động ở vùng biển xa bờ; nhiều tàu cá thường xuyên xuất bến – cập cảng tại cảng Hòn Rớ. Qua nắm bắt của ban quản lý cảng, trước hiệu quả chuyến biển giảm sút những tháng gần đây, trong chuyến biển tháng 9, nhiều chủ tàu cá thường xuyên cập cảng Hòn Rớ đã cho tàu nằm bờ. Trước đó, trong tháng 7 và tháng 8, tại vùng nước cảng Hòn Rớ ghi nhận gần 200 lượt tàu cá nằm bờ. Nguy cơ tàu cá nằm bờ càng nhiều hơn khi mùa mưa bão đang đến gần, thời tiết không thuận lợi nên chủ tàu không cho tàu vươn khơi khai thác.

Hoạt động của các tàu cá đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí toàn tỉnh ghi nhận 188 tàu cá xa bờ đã tạm ngừng dịch vụ giám sát hành trình tàu cá vì lý do nghỉ biển, gặp khó khăn về kinh phí; số tàu này đang nằm bờ và đang được các địa phương ven biển trong tỉnh quản lý chặt chẽ để tránh nguy cơ vi phạm quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Nhiều chủ tàu kiến nghị Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ, đồng hành với ngư dân như: Ổn định đầu ra của sản phẩm thủy sản khai thác; hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá và cước phí liên lạc trên biển; có chính sách để đào tạo, thu hút lao động nghề biển. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét việc tăng thêm số chuyến biển được hỗ trợ nhiên liệu cho chủ tàu để giảm bớt gánh nặng chi phí. “Tôi sẽ cố gắng duy trì thêm 1 – 2 chuyến biển nữa, nếu tiếp tục không hiệu quả sẽ cho tàu nằm bờ, chứ càng đi càng thua lỗ thì không có chi phí để tiếp tục đi biển. Ngư dân chúng tôi mong muốn Nhà nước có thêm các chính sách hỗ trợ cho ngư dân trong quá trình bám biển khai thác hải sản, nhất là ổn định đầu ra cho hải sản khai thác được”, ông Trần Hùng bày tỏ.

Hải Lăng

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!