Ảnh hưởng của nhộng RLĐ lên tăng trưởng và độ tiêu hóa protein cá chẽm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc sử dụng nhộng ruồi lính đen (Hermetia illucens) (RLĐ) tươi như chất bổ sung trong thức ăn lên tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu quả sử dụng thức ăn (FCR) của cá chẽm.

Ở Việt Nam, cá chẽm (Lates calcariferBloch, 1790) là đối tượng nuôi có nhiều tiềm năng vì có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, ít bị bệnh (tỷ lệ sống đạt 70 – 80%), nhanh lớn, chất lượng thịt thơm ngon. Do đó, nghề nuôi cá chẽm ngày càng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, gia tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi và góp phần đa dạng đối tượng nuôi của ngành thủy sản. Tuy nhiên, khi nghề nuôi cá chẽm trở nên phổ biến, sản lượng cá cung cấp cho thị trường nhiều, giá cá chẽm trên thị trường và lợi nhuận của người nuôi chắc chắn sẽ giảm. Vấn đề đặt ra là cần tăng hiệu quả sử dụng thức ăn của cá chẽm (qua việc giảm FCR), từ đó có thể hạ giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi. 

Nhộng RLĐ đã được các nhà khoa học của Việt Nam nghiên cứu và áp dụng trong xử lý chất thải sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho kết quả bước đầu khả quan và tạo ra sản lượng nhộng RLĐ khá lớn có thể cung cấp cho người nuôi cá chẽm. Nhộng RLĐ có chứa các chất có hoạt tính sinh học như: các peptid kháng khuẩn, chất kích thích tăng trưởng, tăng đáp ứng miễn dịch… 

Nghiên cứu 

Nhộng RLĐ tươi 3 tuần tuổi với kích cỡ 1,7 – 2 cm được sử dụng trong thí nghiệm. Thí nghiệm gồm bốn nghiệm thức: Nghiệm thức 1 (NT1): Chỉ dùng thức ăn viên công nghiệp của cá chẽm, hoàn toàn không bổ sung nhộng RLĐ (đối chứng). Nghiệm thức 2 (NT2): Dùng thức ăn viên công nghiệp của cá chẽm có bổ sung 0,5% nhộng RLĐ. Nghiệm thức 3 (NT3): Dùng thức ăn viên công nghiệp của cá chẽm có bổ sung 1% nhộng RLĐ. Nghiệm thức 4 (NT4): Dùng thức ăn viên công nghiệp của cá chẽm có bổ sung 2% nhộng RLĐ. Thức ăn sử dụng trong thí nghiệm là thức ăn viên công nghiệp có hàm lượng protein 44% chuyên dùng cho cá chẽm. Thức ăn số 2 (kích thước 2 – 2,5 mm) được sử dụng từ khi bắt đầu thí nghiệm cho đến khi cá đạt khối lượng 60 g/con. Sau đó, chuyển sang sử dụng thức ăn số 3 (kích thước 3 – 4 mm) đến khi kết thúc thí nghiệm (cá đạt cỡ 100 g/con). 

Hàm lượng (%) của protein, béo, xơ, tro và vật chất khô của nhộng RLĐ bổ sung trong thức ăn thí nghiệm lần lượt là 39,7 ± 1,2, 26,6 ± 0,7, 8,7 ± 0,5, 13,5 ± 0,8 và 21 ± 1,1. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên gồm bốn nghiệm thức với mỗi nghiệm thức được lặp lại ba lần. Cá chẽm giống (khối lượng trung bình 20,2 ± 0,3 g/con) được thả nuôi trong bể composite 1,5 m3 với mật độ 30 con/bể. Các bể thí nghiệm được bố trí trong nhà có mái che, mỗi bể được bố trí 4 vòi khí và được sục khí liên tục 24/24 giờ. Chế độ chiếu sáng theo tự nhiên. Mỗi ngày xiphong và thay 10 – 20% lượng nước trong bể. Cá được cho ăn theo nhu cầu, ngày hai lần (6h và 18h). Để ước tính lượng thức ăn tiêu thụ, thức ăn thừa trong sàng cho ăn sẽ được thu, sấy khô và cân khối lượng. Thí nghiệm được tiến hành trong 90 ngày. 

Trong thời gian thí nghiệm, các thông số chất lượng nước như nhiệt độ, pH và ôxy hòa tan (DO) được kiểm tra hàng ngày, trong khi độ mặn, độ kiềm, tổng nitơ ammonia (TAN) và nitrit được đo hàng tuần và luôn được duy trì trong ngưỡng thích hợp cho sự tăng trưởng và phát triển của cá chẽm: nhiệt độ 25 – 300C, pH 7 – 8, DO >5 mg/L, độ mặn 15 – 20‰, TAN và nitrit và <0,1 mg/L. 

Kết quả 

Kết quả phân tích thống kê cho thấy, việc tăng tỷ lệ bổ sung nhộng RLĐ tươi vào khẩu phần thức ăn của cá chẽm có ảnh hưởng đến khối lượng cuối, tốc độ tăng trưởng tuyệt đối (WG), tốc độ tăng trưởng chuyên biệt (SGR) và FCR của cá chẽm (P<0,05), nhưng không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá thí nghiệm (P>0,05). Nhìn chung, tăng tỷ lệ bổ sung giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng và giảm hệ số FCR ở cá chẽm thí nghiệm. Tốc độ tăng trưởng (khối lượng cuối, WG và SGR) và FCR đạt tốt nhất ở NT3 (bổ sung 1% nhộng RLĐ) và đạt thấp nhất ở NT1 (đối chứng, không bổ sung). 

Độ tiêu hóa protein trung bình dao động trong khoảng giá trị từ 85,8 đến 88,2%. Độ tiêu hóa protein thấp nhất ở nghiệm thức NT1 (85,8 ± 2,4%) và cao nhất ở nghiệm thức NT2 (88,2 ± 1,8%). Tuy nhiên, sự khác biệt về độ tiêu hóa protein giữa các nghiệm thức không có ý nghĩa thống kê (P>0,05). 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc tăng tỷ lệ bổ sung nhộng RLĐ tươi vào khẩu phần thức ăn của cá chẽm giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng và giảm hệ số FCR của cá, nhưng không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá. Sự khác biệt về độ tiêu hóa protein giữa các nghiệm thức không có ý nghĩa thống kê. 

Nguyễn Phúc Cẩm Tú và cộng sự 

Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!