Ả rập Saudi: Phát triển vùng nuôi thủy sản khổng lồ trên sa mạc

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Neom, thành phố xanh trên sa mạc không carbon của Ả rập Saudi sẽ trở thành vùng tiên phong nuôi thủy sản cho cả nước với mục tiêu tự chủ nguồn cung tôm và cá siêu sạch trong tương lai.

3.000 ha nuôi thủy sản

Với nhiệm vụ phát triển thành một đô thị sinh thái trong tương lai, chính phủ Ả Rập Saudi đã đặt ra kế hoạch rất táo bạo là xây dựng siêu thành phố Neom trên một vùng sa mạc rộng lớn dọc biển Đỏ. 

Được Thái tử Mohammed bin Salman công bố lần đầu tiên vào năm 2017, kinh tế của Neom theo kế hoạch chủ yếu là hoạt động kinh doanh và phát triển du lịch hàng đầu của Ả Rập Saudi trên bờ biển Đỏ nhằm giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và đa dạng nền kinh tế. Neom được tài trợ 500 tỷ USD và trải rộng trên 26.500 km2 tại khu vực thuộc tỉnh Tabuk – một ốc đảo thuộc Tây Bắc Ả Rập Saudi. 

Một trong những mục tiêu đã đề ra của Neom là trở thành thành phố có khả năng tự cung tự cấp lương thực lớn nhất thế giới bằng những công nghệ sản xuất hiện có kết hợp công nghệ mới. Đầu thập kỷ tới, siêu thành phố này cũng đặt mục tiêu sản xuất 600.000 tấn lương thực. Với công nghệ nuôi trồng trong nhà kính công nghệ cao quy mô công nghiệp, trang trại thẳng đứng, thì NTTS sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống sản xuất thực phẩm bền vững của thành phố với 3.000 ha dành riêng cho các cơ sở sản xuất cá. 

Neom đặt mục tiêu sản xuất 48.000 tấn thủy sản thông qua các hệ thống ao nuôi tuần hoàn, và 12.000 tấn thủy sản bằng hệ thống RAS trong nhà vào năm 2030. Ảnh: Jason Holland

Tiến sĩ Juan Carlos Motamayor, Giám đốc điều hành Neom Food Sector, kỳ vọng đến năm 2030 thành phố Neom có thể sản xuất 48.000 tấn thủy sản bằng các hệ thống ao nuôi tuần hoàn, và 12.000 tấn cá trong các hệ thống RAS. Các đối tượng nuôi chủ lực sẽ là các giống cá bản địa gồm cá kingfish đuôi vàng, cá đù và sobaity, một loại cá tráp biển. 

Ông Motamayor cho biết, những loài cá bản địa của vùng biển Đỏ giúp tối đa hóa tính bền vững cho địa phương và giảm thiểu khí thải. Các trang trại nuôi trồng thủy sản cũng được thiết kế để phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất thức ăn thay thế, gồm tảo biển và protein côn trùng.

Đầu tư công nghệ 

Ông Motamayor giải thích Neom có kế hoạch dẫn đầu chương trình phát triển công nghệ sinh học các loài sinh vật ở biển Đỏ. Đây sẽ là trung tâm đổi mới cho khu vực Trung Đông/Bắc Phi trong nghiên cứu và phát triển hệ gen nuôi trồng thủy sản. 

Để đạt được mục tiêu này, Ả Rập Saudi đang thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm gồm xây dựng cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh quan hệ hợp tác chặt chẽ. Về cơ sở hạ tầng, Neom đang phát triển các bể nuôi thủy sản RAS trong nhà, ao tròn tuần hoàn, lồng nuôi cá ngoài khơi và ven bờ, trại giống và cơ sở ương dưỡng; nhà máy sản xuất tảo biển, côn trùng và cơ sở chế biến thủy sản. 

Ông Motamayor chia sẻ tất cả các cơ sở hạ tầng được thiết kế theo các tiêu chuẩn an toàn sinh học, môi trường và bền vững cao nhất, bao gồm duy trì chính sách không xả thải. Đồng thời, xây dựng các mối quan hệ đối tác mạnh mẽ với các công ty sinh học hàng đầu trong khu vực và thế giới. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi tự hào là đơn vị tiên phong về công nghệ mới trong nuôi trồng thủy sản, đổi mới trong quản lý trang trại kỹ thuật số, cảm biến sinh học để đo sức khỏe cá, cho ăn chính xác, hệ thống lồng nuôi khép kín, và công cụ kiểm soát trại nuôi bằng trí tuệ nhân tạo”. Về sản xuất, Neom cũng sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản như nước lạnh và tự nhiên đa dạng. 

Tiêu thụ thủy hải sản của Ả Rập Saudi dự kiến tăng từ 9 kg/người hiện nay lên 20 kg/người vào năm 2030 cùng xu hướng tiêu dùng nhóm thực phẩm ít khí thải ngày càng gia tăng. 

Khi đề cập đến những khó khăn trong xây dựng trang trại, ông Motamayor cho biết để tuân thủ triệt để các quy định về bảo tồn biển tại Neom, việc nuôi cá lồng trên biển cần phải chuyển đổi từ sử dụng các đối tượng ngoại lai sang giống bản địa của vùng biển Đỏ. 

Ông nói: “Chúng tôi coi đây như cơ hội nhiều hơn là thách thức vì các loài bản địa còn nhiều tiềm năng. Tại Neom, chúng tôi xây dựng trại nuôi có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn của tương lai với mục tiêu tối đa hóa bền vững và chuẩn bị nguồn lương thực nuôi sống thế hệ tương lai. Đây là một kế hoạch dài hạn, nhưng có nhiều nhiệm vụ cần phải bắt tay ngay từ bây giờ. Sản xuất thức ăn cho cá là một ví dụ. Ước tính vào 2030, ngành NTTS của khu vực sẽ cần ít nhất 30.000 tấn nguyên liệu protein thức ăn chất lượng cao (tương đương bột cá). Hiện, Neom đang tập trung sản xuất protein bền vững, thay thế bột cá từ côn trùng, protein đơn bào và tảo”. 

Dũng Nguyên

Theo Advocate

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!