(TSVN) – Cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở Ai Cập đã làm rung chuyển ngành thủy sản của nước này khi người dân phải đối mặt với sự mất giá tiền tệ lịch sử, mức độ lạm phát gia tăng và tình trạng thiếu ngoại tệ.
Theo phân tích của Ngân hàng Stanbic, tỷ lệ lạm phát của nước này tăng vọt 8,5% trong năm 2022 do khủng hoảng toàn cầu bởi xung đột Nga-Ukraine gây ra và đồng tiền Ai Cập mất một nửa giá trị so với trước đây. Ai Cập phụ thuộc rất nhiều vào lúa mì xuất khẩu từ Ukraine và Nga, thương mại đó đã bị gián đoạn do chiến tranh. Nhập khẩu ngũ cốc giảm đáng kể là một dấu hiệu tiêu cực đối với sức khỏe của nền kinh tế Ai Cập, vì đây là nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới trước khi Trung Quốc “soán ngôi”.
Ngành cá rô phi Ai Cập bị ảnh hưởng bởi giá ngũ cốc tăng cao trong bối cảnh đồng tiền mất giá. Ảnh: Aqua Spark
Ai Cập đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc khi lạm phát giá lương thực đã lên tới 60%. Giá ngô ở Ai Cập đã tăng từ 8.000 EGP/tấn (258,6 USD/tấn) lên 19.000 EGP/tấn (614,14 USD/tấn) trong khoảng thời gian 8 tháng tính tới tháng 4/2023.
Ngành nuôi trồng thủy sản của Ai Cập, chủ yếu là cá rô phi, đã bị ảnh hưởng bởi giá ngũ cốc tăng cao. Quốc gia này là nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản hàng đầu ở châu Phi và lớn thứ sáu về sản lượng trên toàn thế giới, sản xuất sản lượng cá rô phi cao thứ ba trên toàn cầu. Trước đó, chính phủ Ai Cập đã đặt mục tiêu tăng sản lượng cá lên hơn 3 triệu tấn vào năm 2025 và có kế hoạch mở rộng, cải thiện việc bảo vệ một số nghề cá nội địa, đặc biệt là các hồ, như một phần đề án phát triển của nghề cá và nuôi trồng thủy sản.
Tuệ Nhi
(Theo Seafoodsource)