(TSVN) – Hai nông dân Alaa và Medhat Elokda tại Ai Cập đang sản xuất cá rô phi và cá đối trong một cơ sở RAS mật độ cao do họ tự thiết kế và xây dựng.
Trang trại sản xuất 20 tấn cá rô phi sông Nile mỗi năm với mật độ dày, thu hoạch khoảng 800 kg cá 2 tuần/lần. Gần đây, trang trại của ông Alaa cũng đang thử nghiệm nuôi cá đối đầu phẳng, với 800 con cá/bể. Hệ thống sản xuất có 10 bể, đường kính 4 m, 9 bể trong số đó dùng để nuôi thương phẩm và 1 bể ương. Tổng diện tích của trang trại là 360 m2.
Trang trại mua cá rô phi loại 1 g từ các trại giống như Al-Sahaba và New Hope, khử trùng, sau đó cho vào bể ương đến khi đạt 30 – 40 g thì chuyển sang bể nuôi thương phẩm. Trong các bể nuôi thương phẩm, cá mất 4 tháng để đạt kích cỡ thương phẩm (250 – 400 g) trước khi thu hoạch.
“Hàng ngày, chúng tôi chỉ cần có mặt tại trang trại để cho cá ăn vì chúng tôi sử dụng hệ thống giám sát và báo động chất lượng nước Nilebot. Hệ thống này giúp hỗ trợ theo dõi các điều kiện và báo động nếu có sự thay đổi trong các thông số chất lượng nước yêu cầu. Ngoài ra, còn có một bộ điều khiển từ xa thông báo mất điện nên không cần nhân công thường trực tại trang trại”, ông Alaa cho biết.
Trang trại RAS của ông Alaa đi vào sản xuất từ 1/2020
Hệ thống này có nhiều ưu điểm, yêu cầu nước và đất tối thiểu. Đồng thời, hệ thống cũng cho phép sản xuất liên tục trong năm, kiểm soát hoàn toàn các thông số nước và giúp người nuôi đảm bảo các điều kiện tối ưu cho sự tăng trưởng.
Nhược điểm duy nhất là chi phí xây dựng tương đối cao. Tuy nhiên, trang trại của ông Alaa đã khắc phục những điều này bằng cách nghiên cứu và chuẩn bị thiết kế bên trong của hệ thống và tự sản xuất hầu hết các thiết bị như bộ lọc thùng phuy và bể chứa. Do đó, trang trại đã đạt khả năng sản xuất 50 kg cá rô phi/m3, với tỷ lệ chết ít hơn 5%.
Trang trại kết hợp nuôi cá rô phi sông Nile và cá đối đầu dẹt. Ảnh: Yomna Elshamy
Trang trại mong muốn phát triển thêm một hệ thống aquaponic, để tăng hiệu quả sử dụng nước và giảm chất thải của cá bằng cách chuyển đổi thành phân bón cho thành phần thủy canh tạo ra các loại cây trồng có thể bán được trên thị trường như rau diếp. Đây là một phần của kế hoạch phát triển lâu dài và bền vững trong tương lai của trang trại. Ông Alaa cho biết, ông cũng đang tìm cách sản xuất thức ăn cho cá ép đùn riêng để giảm chi phí sản xuất.
“Chúng tôi cũng đang thành lập một chi nhánh tư vấn, được gọi là Arfelone Farming, sẽ nghiên cứu tính khả thi cho các dự án nuôi cá thâm canh, thiết kế và thực hiện trang trại, cung cấp và lắp đặt tất cả các thiết bị và bộ lọc, đào tạo công nhân và giám sát về quản lý và vận hành của hệ thống”, vị đại diện trang trại chia sẻ.
Ông cũng thông tin, Ai Cập nên mở rộng thành lập RAS để tối ưu hóa việc sử dụng nước và đất cũng như tối đa hóa sản lượng NTTS trong tương lai.
Tuệ Nhi
Theo Thefishsite