Những tháng đầu năm 2013, nghề nuôi cá tra thâm canh ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khá ảm đạm do chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá cá không ổn định, thậm chí thấp hơn giá thành sản xuất.
Nông dân thua lỗ
Những ngày này, đi thăm các vùng nuôi cá tra thâm canh của Tiền Giang như Cái Bè, Cai Lậy… thấy không khí hiu hắt, vắng lặng bao trùm các ao nuôi. Trong kho không còn thức ăn, dưới ao đàn cá ốm nhom, trong khi giá bán lại chưa có dấu hiệu được cải thiện.
Ông Phạm Văn Tất ở ấp Khu Phố, xã Hoà Hưng (Cái Bè) chỉ tay ra phía ao cá tra trước nhà uể oải nói: “Ao cá này đã thả giống được hơn 4 tháng nhưng do giá quá thấp nên tôi chỉ cho ăn cầm chừng. Vụ trước, ao cá này cũng khiến tôi thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Sang vụ mới, tưởng giá cả sẽ khả quan hơn, nào ngờ… Hiện, giá cá chỉ đạt xấp xỉ 20.000 đồng/kg trong khi chúng tôi phải bán được giá 23.000 đồng/kg trở lên mới có lời”.
Theo kết quả khảo sát các hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, hiện cá thương phẩm được các doanh nghiệp thu mua tại ao với giá dao động từ 19.500 – 20.000 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi cá dao động từ 21.000 – 23.000 đồng/kg (tùy thuộc vào chất lượng giống, thức ăn và kỹ thuật nuôi). Do đó, với giá cá thương phẩm như hiện nay, bình quân 1ha ao nuôi, người nuôi cá lỗ từ 400 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.
Vùng nuôi co cụm
Việc giá cá tra nằm dưới giá thành sản xuất trong một thời gian dài khiến không chỉ người nuôi cá tra nhỏ lẻ gặp khó phải bán đất, nuôi gia công hoặc cho các doanh nghiệp thuê đất mà ngay cả những doanh nghiệp nuôi cá có nhà máy chế biến xuất khẩu cũng tính chuyện co cụm sản xuất hay cho cá ăn cầm chừng.
Trong khi đó, mô hình nông dân nuôi gia công cho doanh nghiệp cũng bộc lộ nhiều bất cập khi doanh nghiệp thường nằm “kèo trên”. Ông Trần Thanh Hồng Hải có ao nuôi rộng 8.000m2 ở ấp Tân An, xã Tân Phong (Cai Lậy) cho biết, năm ngoái ông nuôi gia công cho một công ty chế biến cá tra xuất khẩu, theo đó công ty sẽ cung cấp thức ăn theo hệ số 1,6; sau thu hoạch công ty sẽ bắt toàn bộ cá với mức khoán các chi phí con giống, thuốc men, nhân công, tiền thuê ao là 5.000 đồng/kg, tính ra ông còn lãi 2.500 đồng/kg nhưng đến nay công ty vẫn chưa trả tiền. Chính vì vậy, vụ cá này, ông Hải quyết định nuôi riêng lẻ chứ không nuôi gia công cho công ty nữa.
Cần liên kết chặt chẽ “3 nhà”
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá cá tra tụt giảm, người nuôi thua lỗ phải cho ăn cầm chừng là do hoạt động nuôi cá trên địa bàn còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến, chưa có biện pháp chế tài khi một trong hai bên không thực hiện đúng hợp đồng ký kết. Tiêu chuẩn chất lượng thịt cá tra màu vàng, trắng quy định chưa rõ ràng nên các công ty chế biến thu mua cá tra lợi dụng vào đó ép giá, gây khó khăn cho người nuôi.
Mặt khác, đàn cá tra bố mẹ đang có dấu hiệu suy thoái, ảnh hưởng đến chất lượng đàn cá giống, tỷ lệ ương cá tra giống đạt thấp (8-10%), bệnh trên cá ngày càng phức tạp, khó chữa trị, cá tra nuôi thương phẩm chậm lớn dẫn đến hệ số thức ăn cao… Người nuôi cá thua lỗ, không có vốn đầu tư tái sản xuất, hầu hết các hộ nuôi đều không tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.
Để vực dậy và phát triển bền vững nghề nuôi cá tra trong thời gian tới, theo ông Phan Hữu Hội, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang, cần hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa ba nhà “người nuôi cá, nhà máy sản xuất thức ăn, nhà máy chế biến và xuất khẩu” để cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận trong chuỗi sản xuất. Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, đẩy nhanh tiến độ thay thế đàn cá tra bố mẹ để tạo con giống chất lượng tốt, sạch bệnh, tăng sức đề kháng; sớm ban hành tiêu chuẩn quốc gia về quy trình kỹ thuật nuôi thâm canh cá tra; ban hành quy định giá sàn thu mua cá tra nguyên liệu; tăng cường công tác thanh, kiểm tra về quản lý chất lượng giống, chất lượng thức ăn, thuốc thú y dùng trong nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh chính sách hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi, thời gian vay trung hạn hoặc dài hạn để người nuôi cá có nguồn vốn tiếp tục tái sản xuất.