Những năm gần đây, dịch bệnh do các đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt bị nhiễm vi khuẩn Shewanella putrefaciens là vấn đề mới nổi nghiêm trọng. Tình trạng cá rô phi nuôi chết trên quy mô lớn ở Hisar, miền Bắc Ấn Độ, đã được các nhà khoa học báo cáo và đăng trên tạp chí của Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản toàn cầu.
Cá rô phi (Oreochromis niloticus) bệnh có biểu hiện hôn mê, bơi gần mặt nước, vây bị mục, xuất huyết ở nắp mang, gây chết gần 40% cá nuôi. Trực khuẩn gram âm, di động, dương tính với oxidase và catalase, được phân lập từ thận của cá nhiễm bệnh và được khẳng định là S. putrefaciens trên cơ sở các xét nghiệm sinh hóa và giải trình tự gen 16S rRNA.
Kết quả làm kháng sinh đồ cho thấy các chủng của S. putrefaciens nhạy với quinolone, nitrofuran, tetracycline, aminoglycoside, cephalosporin, aminocyclitol, sulphonamide và các kháng sinh nhóm macrolide, nhưng kháng với các kháng sinh thuộc nhóm beta‐lactam và glycopeptide.
Kiểm tra mô bệnh học cho thấy có những biến đổi thoái hóa ở thận, gan, lách và ruột, gợi ý nhiễm trùng hệ thống. Các nghiên cứu gây nhiễm thực nghiệm cho thấy các dấu hiệu lâm sàng của cá được gây nhiễm giống như những gì đã được quan sát trong tự nhiên.
Hơn nữa, vi khuẩn S. putrefaciens được tái phân lập từ thận của cá rô phi được gây nhiễm đã đáp ứng định đề Koch. Do đó, cá rô phi bị chết trong nghiên cứu này được cho là do vi khuẩn S. putrefaciens gây ra.
>> Năm 1884, R. Koch đưa ra 4 nguyên tắc về tác nhân gây bệnh mà cho đến ngày nay vẫn còn được áp dụng là nguyên tắc chuẩn để chứng minh khả năng gây bệnh đặc trưng của một loài vi sinh vật nào đó. Các nguyên tắc đó là: 1. Tác nhân gây bệnh phải luôn được tìm thấy trên sinh vật bị nhiễm bệnh nhưng không có ở sinh vật khỏe.
2. Tác nhân gây bệnh phải được nuôi trong điều kiện thực nghiệm bên ngoài cơ thể sinh vật. 3. Tác nhân gây bệnh phải có khả năng gây bệnh khi gây nhiễm vào con vật mẫn cảm. 4. Tác nhân gây bệnh phải được xác định từ kết quả tái phân lập. |