(TSVN) – Chính phủ Ấn Độ, nhà sản xuất cá lớn thứ ba thế giới, nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản lớn thứ hai và nhà xuất khẩu thủy sản lớn thứ tư, đang có kế hoạch tham vọng hơn trong ngành này.
Xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ đang trên đà đi lên, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 17,2% trong giai đoạn 2016 – 2021. Giá trị xuất khẩu của nước này đã tăng hơn gấp đôi lên 6,68 tỷ USD trong năm tài chính 2020 – 2021, từ 2,9 tỷ USD vào năm 2010. Trong năm tài chính 2022 kết thúc vào ngày 31/3/2023, Ấn Độ dự kiến sẽ đạt 8 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong bối cảnh tác động của lạm phát làm giảm nhu cầu toàn cầu, gây tổn hại cho ngành thủy sản của Ấn Độ. Điều này buộc Chính phủ Ấn Độ hạ mục tiêu xuất khẩu từ mục tiêu trước đó là 8,8 tỷ USD.
Tại Triển lãm Thủy sản Quốc tế Ấn Độ 2023 ở Kolkata hồi giữa tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Anupriya Patel đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của nước này vượt mốc 14 tỷ USD vào năm 2025. Trong năm tài chính kết thúc ngày 31/3/2022, quốc gia này đạt mức cao nhất mọi thời đại về giá trị và khối lượng xuất khẩu thủy sản, lần lượt là 7,76 triệu USD và 1,36 triệu tấn.
Bà Patel cho biết chiến lược xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ sẽ tập trung vào thị trường Mỹ. “Chúng tôi đang thực hiện các động thái để giành lại thị phần thủy sản ở Mỹ. Chính phủ đang đi nhanh theo đúng hướng”, bà nói.
Bắt đầu từ ngày 1/4/2023, chính phủ Ấn Độ sẽ phân bổ 271,7 triệu USD cho Bộ Thủy sản, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, ngành thủy sản cũng sẽ được phân bổ 725 triệu USD thông qua Chương trình Pradhan Mantri Matsya Kisan Samridhi Sah-Yojana (PM-MKSSY) mới được thành lập, một chương trình phụ của chương trình Pradhan Mantri Matsya Sampada Yojana (PMMSY) được thành lập vào năm 2020 và đã hỗ trợ 2,4 tỷ USD để thúc đẩy sự phát triển bền vững và có trách nhiệm của ngành thủy sản Ấn Độ.
Trong năm tài chính 2022 – 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ dự kiến sẽ đạt 8 tỷ USD. Ảnh: The Economic Times
Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ đã chuyển sang giảm thuế nhập khẩu thức ăn thủy sản: Thuế đối với bột cá và hỗn hợp vitamin tổng hợp giảm từ 15% xuống 5% và thuế đối với dầu cá và tảo nguyên chất giảm từ 30% xuống 15%. Và chính phủ nước này đã mở rộng kế hoạch xúc tiến xuất khẩu, việc miễn thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu (RoDTEP), nhằm đảm bảo cho các nhà xuất khẩu được hoàn lại một số loại thuế.
Các chương trình quảng bá thủy sản của Ấn Độ cũng đang được đẩy mạnh thông qua việc thành lập một cơ sở kiểm dịch trung tâm ở Chennai để đảm bảo các lô hàng tôm từ nước này không có mầm bệnh. Đơn vị nghiên cứu của Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Thủy sản (MPEDA) của quốc gia, Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản Rajiv Gandhi, cũng sẽ nhận được khoản tài trợ để xây dựng một trung tâm nhân giống tôm sú bố mẹ thí điểm ở Visakhapatnam.
Ngoài ra, cùng với Hội nghị G20 được tổ chức tại Ấn Độ năm nay, quốc gia này cũng sẽ tổ chức một hội nghị nhằm hài hòa các quy định về kinh doanh thủy sản vào nửa cuối năm 2023, một sự kiện có chủ đề về thủy sản dành cho các đại biểu từ 20 thị trường thủy sản hàng đầu thế giới và một hội nghị tập trung vào việc cải thiện các quy định thương mại và triển vọng xuất khẩu cho ngành tôm của Ấn Độ.
Hải Phong
(Theo Seafoodsource)