(TSVN) – Có lẽ 2023 sẽ là một năm thê thảm của ngành tôm Ấn Độ khi giá bán thấp, chi phí tăng, người nuôi lỗ nặng, nhiều hộ nuôi đã treo ao.
Cuộc khủng hoảng tôm với tâm điểm là giá bán không tương xứng với chi phí vẫn đang là bài toán khó khiến ngành nông nghiệp Ấn Độ đau đầu hơn 1 năm qua. Trong vòng 12 tháng, chi phí đầu vào như giá thức ăn và tiền điện liên tục tăng, nhưng giá tôm vẫn ở mức thấp trong khoảng 5 năm trở lại đây. Các chuyên gia lo ngại người nuôi tôm thẻ chân trắng sớm muộn cũng sẽ chuyển đổi sang nuôi cua hoặc cá.
Chính phủ Ấn Độ, đặc biệt là Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Thủy hải sản Ấn Độ (MPEDA), cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này để có cơ chế giá tối thiểu phù hợp, bởi người nuôi tôm đang rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Giá bán tôm đang là bài toán khó tại Ấn Độ. Nguồn: Undercurrent News
Sau dịch Covid, giá thức ăn tăng 25%, giá nguyên liệu tăng 25-30%, trong khi giá bán giảm. Tổng chi phí sản xuất đã tăng trung bình 15-20% trong năm qua. Không những thế, 3 năm trở lại đây điều kiện thời tiết bất lợi đã khiến Hội chứng tôm chết sớm (RMS), bệnh viêm ruột do vi khuẩn Vibrio, và bệnh vi bào tử trùng (EHP) lan rộng ở khắp các ao tôm trên cả nước.
Trong tháng 6, giá mua tại ao ở Anwar gần bằng giá ở Sharma; giá trung bình của tôm loại 50 – 60 con/kg là 3,5 USD/kg, loại 60 – 70 con/kg là 3,38 USD/kg và loại 70-80 con/kg có giá 3,13 USD/kg.
Ở Tamil Nadu, tôm thẻ loại 30 con/kg được bán với giá 4,85 USD/kg, loại 40 con/kg giá 2,9 USD/kg, loại 80 con/kg giá 2,66 USD/kg, loại 100 con/kg giá 2,42 USD/kg. Nhưng với chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay, người nuôi tôm phải mất 3,39 USD để nuôi 1 kg tôm thẻ cỡ 40 con; 3,51 USD/kg cho loại 60 con/kg và 3,02 USD cho loại 100 con/kg. Như vậy có thể thấy họ đang chịu lỗ nặng nề.
An Vy
Theo Undercurrent News