(TSVN) – Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Balasubramaniam V, Tổng Thư ký Liên đoàn nuôi tôm Ấn Độ, tin rằng ngành tôm có thể thay đổi “vận mệnh” thông qua kết hợp cải thiện di truyền, sử dụng các loài tôm bản địa, mở rộng thị trường trong nước và tăng cường tự động hóa.
Balasubramaniam V là một nông dân có thâm niên 30 năm nuôi tôm ở Tamil Nadu, một bang miền Nam Ấn Độ. Dân trong nghề thường gọi ông bằng cái tên quen thuộc hơn là Bala. Trang trại Certitude rộng 24 ha của Bala hiện sản xuất khoảng 200 tấn TTCT và tôm sú mỗi năm.
Trang trại Certitude có khởi đầu không mấy suôn sẻ bởi được thành lập ngay sau khi virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV) tấn công Ấn Độ. Tuy nhiên, chủ nhân của Certitude, ông Bala vẫn tin rằng “cái khó ló cái khôn” ngay trong cuộc khủng hoảng giá tôm hiện nay. “Chúng tôi nhận thấy nghề nuôi tôm mang tính chu kỳ, vì vậy người nông dân cố gắng bám trụ và hy vọng vào một ngày tốt đẹp hơn”, Bala nhận xét.
Chính sự lạc quan này giải thích tại sao sản lượng tôm Ấn Độ khá ổn định, mặc dù lợi nhuận thấp kéo dài suốt nhiều năm. Bala cho rằng, người nuôi tôm vẫn loay hoay “mắc kẹt” trong cuộc khủng hoảng giá tôm, họ đang mất quá nhiều thời gian trong khi lợi ích thu được ngày càng giảm. Nếu kéo dài tình trạng này, ngành tôm Ấn Độ sẽ sụp đổ. Do đó, xu hướng hợp nhất trong ngành tôm Ấn Độ bắt đầu hình thành với nhiều trang trại có diện tích 16 – 20 ha liên kết để tạo thành trang trại lớn 200 – 400 ha.
Tại trang trại của mình, Bala thực hiện chiến lược “giảm sản lượng, tăng chất lượng”, cụ thể là kích cỡ, chỉ nuôi từ 20 – 30 con tôm/m², với mục tiêu đạt trọng lượng 25 – 30 g trong vòng 100 ngày.
“Đây là chiến lược nuôi tôm hợp lý và vẫn đảm bảo hoạt động bền vững cho toàn trang trại trong bối cảnh thị trường tôm nguyên liệu toàn cầu đang dư cung, miễn là trang trại không bị dịch bệnh tấn công. Vì vậy, chúng tôi thực hiện tất cả các biện pháp phòng bị cần thiết để tránh EHP, bệnh phân trắng và đốm trắng, tất cả đều liên quan đến các an toàn sinh học và chất lượng giống”, ông giải thích.
Mặc dù Certitude Farms đã duy trì được một đội ngũ nhân viên trung thành, ông Subramaniam vẫn lo ngại khi quá ít lao động trẻ mặn mà với nghề nuôi tôm. Tuổi trung bình của người nuôi tôm ở Ấn Độ hiện trên 50”. Do đó, trang trại Certitude buộc phải tăng tỷ lệ tự động hóa để giảm phụ thuộc vào lao động.
Mặc dù nông dân Ấn Độ không phải là những người duy nhất trong ngành tôm đang gặp khó khăn, nhưng Bala chỉ ra rằng chi phí sản xuất ở nhiều quốc gia khác lại thấp hơn. “Ở Ecuador, tôm có khả năng chống lại virus đốm trắng, nên nông dân không cần phải lo lắng về việc chuẩn bị ao nuôi, các biện pháp an toàn sinh học hay xử lý nước. Vì vậy, họ tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Hơn nữa, vì giống tôm có khả năng chống lại bệnh tật, tỷ lệ thành công cao hơn rất nhiều so với Ấn Độ”, Bala chia sẻ.
Theo ông, đó là sự khác biệt lớn nhất giữa Ấn Độ và Ecuador. Ecuador có thể gặp khó khăn do tỷ lệ sống của một số ao nuôi thấp, nhưng họ không có khái niệm “vụ nuôi thất bại”.
Việc Ecuador sử dụng tôm SPR thay vì tôm SPF đã mang lại hiệu quả, và Bala tin rằng những tiến bộ trong di truyền học là phương tiện quan trọng nhất để giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Do đó, ông ủng hộ việc chuyển sang giống tôm khỏe thay vì những giống tăng trưởng nhanh.
“Thế hệ TTCT mới có thể tăng trưởng ấn tượng 0,5 – 0,75 g/ngày, nhưng rất dễ bị tổn thương trước dịch bệnh và những thay đổi nhỏ nhất của thời tiết. Vì vậy, di truyền phải là công cụ quan trọng để giúp vật nuôi tăng sức chống chịu, nếu không thể kháng lại, các mầm bệnh cũng như đối phó với sự thất thường của thời tiết”, Bala cho biết.
Bala tin rằng ông đang đi đúng hướng trong việc lựa chọn nguồn giống tôm. “Giống tôm của SyAqua đã mang lại kết quả rất tốt cho chúng tôi trong hai, ba vụ vừa qua. Nhiều nông dân rất chuộng giống tôm này, mặc dù tôm phát triển hơi chậm, nhưng chịu được điều kiện thời tiết và có khả năng chống lại bệnh phân trắng ở một mức độ nào đó”, ông nói.
Bala cũng đang hợp tác với chính phủ Ấn Độ để thử nghiệm sản xuất giống tôm he bản địa Penaeus indicus. Loài này có thể phát triển ở mật độ dày đặc, chịu được độ mặn và nhiệt độ cao. “Đáng tiếc là vì TTCT đã chiếm ưu thế, nên các nghiên cứu về cải thiện gen cho tôm he bị bỏ quên. Nếu điều này được thực hiện cách đây mười năm, giờ đây chúng ta sẽ không phải phụ thuộc vào một loài ngoại lai”, Bala chia sẻ. Tuy nhiên, cách đây hai năm, Bala bắt đầu thử nghiệm các giống tôm he Penaeus indicus mới cùng chính phủ để phát triển chương trình cải tiến gen nhằm tăng khả năng chống chịu mầm bệnh cho vật nuôi.
Bala nhận thức rằng giá cả chủ yếu chịu ảnh hưởng từ các yếu tố kinh tế vĩ mô, ngoài tầm kiểm soát của nông dân. Tuy nhiên, ông không chỉ đổ lỗi cho lạm phát toàn cầu. Các nhà bán lẻ lớn ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đang nắm lợi thế khi thị trường dư thừa nguồn cung tôm nhưng không hạ giá bán để tối đa hóa lợi nhuận. Chỉ có người nông dân chịu thiệt, Bala nhận định. Mặc dù vậy, về lâu dài, Bala tin rằng ngành tôm Ấn Độ có cơ hội để phát triển thị trường nội địa.
Giá tôm nguyên liệu toàn cầu sẽ cải thiện nếu sản lượng tôm của một số quốc gia như Ấn Độ và Ecuador sụt giảm. “Hiện tại, bệnh phân trắng đã xuất hiện ở Ecuador, có thể vài năm nữa họ mới cảm nhận được khó khăn trong việc quản lý các dịch bệnh. Và khó khăn tương tự cũng xảy ra ở Ấn Độ khiến sản lượng giảm nhưng sẽ thúc đẩy xu hướng hợp nhất và giá lại phục hồi. Tôi đã chứng kiến nhiều thăng trầm của ngành tôm suốt 30 năm, khó khăn nào rồi cũng qua miễn người nông dân kiên trì”, Bala chia sẻ.
Tuấn Minh
(Theo The Times of India)