Ấn Độ: Hướng đến đa dạng hóa thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Sản phẩm Thủy sản của Ấn Độ (MPEDA) cho biết nước này đang nỗ lực tăng cường sản xuất các đối tượng thủy sản khác như tôm sú, cá rô phi hay cá chẽm…; tuy nhiên, tôm thẻ chân trắng vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ trong những năm tới.

Ông TR Gibinkumar, Phó giám đốc MPEDA, cho biết sản lượng thủy sản nuôi trồng của Ấn Độ đang được thiết lập để đa dạng hóa hơn nữa nhằm phát triển các thị trường mới ngoài tôm. “Tuy nhiên, tôm thẻ chân trắng sẽ vẫn chiếm phần lớn trong xuất khẩu thủy sản của đất nước. Đó là điều sẽ không thay đổi”, ông phát biểu tại Triển lãm Fish International 2022 được tổ chức ở Bremen (Đức) từ ngày 4 – 6/9/2022.

“Chúng tôi muốn đầu tư nhiều hơn vào việc đa dạng hóa các loài nuôi khác như tôm sú, cá chim, cá chẽm Ấn Độ, cá vược hay cá rô phi. Sản lượng khai thác biển đang bị đình trệ, do đó Ấn Độ đang chú ý nhiều đến các hoạt động nuôi trồng thủy sản”, ông nói.

Ngành tôm Ấn Độ đang có xu hướng dịch chuyển dần sang nuôi tôm sú. Ảnh: Intrafish

MPEDA cho biết dự kiến Ấn Độ sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trị giá trên 8,8 tỷ USD trong năm tài chính 2022 – 2023, tăng từ mức 7,76 tỷ USD của năm tài chính 2021 – 2022. Quốc gia này cũng đặt ra mục tiêu “chạm mức” gần 14 tỷ USD trong năm tài chính 2025 – 2026.

Ngoài ra, hiện nay ngày càng có nhiều nông dân chuyển sang nuôi tôm sú, do đây là loài có nguồn gốc từ Ấn Độ và đang có giá bán tốt.

Theo ông Gibinkumar, những người mua tiềm năng ở châu Âu đến tham dự triển lãm đã thể hiện sự quan tâm đến việc nhập khẩu loài này hơn là tôm thẻ chân trắng, do đó việc phát triển tôm sú sẽ là chìa khóa quan trọng trong vài năm tới. 

Tuy nhiên, ngành tôm Ấn Độ vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong những năm tới nếu muốn duy trì tính cạnh tranh. “Với việc các nước sản xuất tôm châu Á khác – như Việt Nam, Thái Lan và Indonesia – bắt kịp sản lượng, xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, và sự cạnh tranh lớn nhất tại thị trường Mỹ, chúng tôi sẽ phải chiến đấu mạnh mẽ và hiệu quả hơn để giữ vị trí hiện tại”, ông Gibinkumar cho hay.

Ông cũng bày tỏ những khó khăn khi xuất khẩu tôm Ấn Độ sang EU chịu mức thuế hải quan 6%, trong khi xuất khẩu tôm Việt Nam được hưởng mức thuế bằng 0. “Việt Nam và các nước ở Đông Nam Á đang giành được vị thế mạnh hơn ở cả Mỹ và EU, đây hoàn toàn là một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng tôm Ấn Độ vẫn sẽ giữ được vị trí của mình tại các thị trường bằng cách tung ra các chiến dịch tích cực hơn”, ông nói.

Năm 2021, xuất khẩu tôm của Ấn Độ đạt giá trị và khối lượng cao nhất cho đến nay – 734.159 tấn tôm đông lạnh với trị giá 5,72 tỷ USD, theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC).

Tuệ Nhi

Theo Undercurrent News

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!