Ấn Độ: Mạnh mẽ phủ nhận cáo buộc về tác động của ngành công nghiệp tôm trong việc gây ra suy thoái rừng ngập mặn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Shrimp Insights, sự phát triển ngành công nghiệp tôm ở Ấn Độ không phải là nguyên nhân dẫn đến việc mất đi diện tích rừng ngập mặn tại quốc gia này.

Nhà sáng lập Shrimp Insights, ông Willem van der Pijl, phát biểu trong một báo cáo trình bày vào ngày 15/7 rằng “Những cáo buộc về ngành công nghiệp tôm gây ra sự hủy hoại các khu rừng ngập mặn ở Ấn Độ là vô căn cứ”. Ông khẳng định các tuyên bố này đang bị “thổi phồng quá mức” vì trên thực tế, tổng diện tích rừng ngập mặn đã tăng liên tục từ năm 1999 – 2022.

Ông Van der Pijl đã sử dụng hình ảnh vệ tinh từ GalaxEye Space và cơ sở dữ liệu rừng ngập mặn của Clark Labs để xác định rằng từ năm 1999 – 2022, chỉ có 0,3% tổng diện tích đất có rừng ngập mặn ở phía đông Ấn Độ bị chuyển đổi thành các ao nuôi cá và tôm, tương đương 750 ha, trong khi tổng diện tích rừng ngập mặn tăng 8%, tương đương 20.000 ha.

Tại Hội nghị COP 7 vào tháng 5/1999, các quốc gia đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ trong việc bảo tồn các khu rừng ngập mặn khi Công ước Ramsar được phê duyệt. Trong đó, Ấn Độ đã thông qua Công ước Ramsar và Đạo luật Nuôi trồng Thủy sản Ven biển, đồng thời thành lập quỹ tài trợ cho các sáng kiến trồng và bảo tồn rừng ngập mặn. Những nỗ lực này nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong hệ sinh thái.

Ông Van der Pijl cho biết: “Ấn Độ là một trong những quốc gia sản xuất tôm lớn nhất thế giới và là nơi có hệ sinh thái rừng ngập mặn quan trọng trên toàn cầu. Trong khi ngành tôm tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế quốc gia, thì rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển, đa dạng sinh học và hấp thụ carbon. Chính vì vậy, Chính phủ Ấn Độ luôn cố gắng thực hiện các chính sách đảm bảo sự cân bằng của cả hai yếu tố trên”. 

Theo Shrimp Insights, phần lớn nguyên nhân của sự biến mất các khu rừng ngập mặn là do ảnh hưởng của các cơn bão nhiệt đới và biến đổi khí hậu, cũng như sự mở rộng của các ngành công nghiệp khác, chẳng hạn như nông nghiệp. Cả hai nguyên nhân trên đã dẫn đến việc mất đi khoảng 8.800 ha rừng ngập mặn kể từ năm 1999.

Năm 2022, diện tích các ao nuôi cá và tôm chiếm khoảng 385.000 ha đường bờ biển phía đông Ấn Độ, trong đó khoảng 260.000 ha được bao phủ bởi các khu rừng ngập mặn. Diện tích rừng ngập mặn ở Andhra Pradesh đã tăng từ 32.047 ha vào năm 1999 lên 42.493 ha vào năm 2022, trong khi ở Tây Bengal, tổng diện tích đất có rừng ngập mặn tăng từ 189.555 ha lên 192.665 ha.

Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản Ấn Độ đã đưa ra lệnh cấm các trang trại được chứng nhận xây dựng sau năm 1999 không được phá hủy bất kỳ khu rừng ngập mặn nào, riêng những trang trại được xây dựng trước năm 1999 phải phục hồi 50% diện tích. 

Lan Khuê 

Theo Seafoodsource

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!