THỨ TƯ, ngày 23/4/2025

Ấn Độ: Thuế mới của Mỹ có thể “hủy diệt” ngành tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thuế quan mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ngành xuất khẩu thủy sản trị giá 2,5 tỷ USD của Ấn Độ, trong đó tôm chiếm 92%, đồng thời tạo cơ hội cho đối thủ Ecuador mở rộng thị phần tôm tại Mỹ.

Xuất khẩu tụt dốc

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Ấn Độ (SEAI), ông G. Pawan Kumar cho biết, các mức thuế đối ứng do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, vốn đạt 2,5 tỷ USD trong năm tài khóa 2023 – 2024. Ông nhấn mạnh, tôm chiếm tới 92% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, và Ấn Độ hiện là nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường này. “Việc áp thuế sẽ gây thiệt hại cho toàn bộ chuỗi giá trị và tạo ra khó khăn diện rộng,” ông Kumar nhấn mạnh.

Theo nhận định, xuất khẩu tôm của Ấn Độ sẽ tụt lại phía sau so với Ecuador vốn chỉ chịu mức thuế 10%. Trong khi đó, Việt Nam và Indonesia lần lượt đối mặt với mức thuế 46% và 32%, tạo lợi thế đáng kể cho Ecuador. 

Ông Kumar, chuyên gia đến từ Vizag, cho rằng Ecuador sẽ vượt Ấn Độ để trở thành nhà cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường Mỹ. “Với biên lợi nhuận ngành chỉ khoảng 4 – 5%, các nhà xuất khẩu Ấn Độ khó có thể chịu được mức chênh lệch thuế lên tới 16% và cạnh tranh với Ecuador,” ông nhận định. Mức thuế mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 9/4, trong khi hiện có khoảng 2.000 container thủy sản của Ấn Độ đang trên đường đến Mỹ – ông cho biết thêm.

Ông Kumar cho biết các nhà xuất khẩu Ấn Độ đang chịu thiệt hại khoảng 72 triệu USD do thuế quan, trong khi nhiều container hàng đông lạnh vẫn chưa thể xuất khẩu. Do các đơn hàng theo hình thức giao tận nơi, chi phí thuế sẽ do phía xuất khẩu gánh, gây thêm áp lực lớn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, yêu cầu ký quỹ và các điều kiện từ phía Mỹ khiến vốn lưu động bị ảnh hưởng, gây khó khăn tài chính và gián đoạn dòng tiền. Bên cạnh thuế trả đũa, Mỹ còn áp thuế chống trợ cấp 5,77% và thuế chống bán phá giá 1,38% lên tôm nhập khẩu. Ông Kumar nhấn mạnh, những yếu tố này đang bào mòn biên lợi nhuận, trong khi đợt thuế mới lại rơi đúng thời điểm chuẩn bị vụ nuôi tôm đầu tiên trong năm. Việc chưa rõ thuế quan sẽ ảnh hưởng thế nào đến biên lợi nhuận khiến nông dân giảm số lượng đơn đặt hàng, kéo theo nhu cầu từ các trại ương cũng duy trì ở mức thấp, ông cho biết.

Tìm giải pháp 

Chủ tịch SEAI kêu gọi chính phủ sớm có biện pháp hỗ trợ ngành, ít nhất là cho đến khi thuế quan được điều chỉnh về mức cũ hoặc hai bên đạt được một hiệp định thương mại song phương.

Trong khi đó, ông Lal Mohammed – Phó Giám đốc Sở Thủy sản bang Andhra Pradesh – cho biết chính quyền sẽ tổ chức họp với các bên liên quan để tìm giải pháp giảm thiểu tác động của thuế quan.

Chính phủ cũng đang xem xét các chiến lược khác như tuyên truyền cho người nuôi trồng thủy sản về việc lai tạo các loài cá khác có giá trị xuất khẩu tương đương, đồng thời tìm kiếm thị trường thay thế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, EU, Úc và một số quốc gia khác.

Ông Mohammed nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy tiêu thụ nội địa, mở rộng hệ thống bán lẻ tôm, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng tiện lợi, nâng cao chất lượng, công bố sản phẩm không chứa kháng sinh và có khả năng truy xuất nguồn gốc, cùng với một số giải pháp khác, sẽ đóng vai trò quan trọng.

Bang Andhra Pradesh là trung tâm nuôi trồng thủy sản lớn, với hơn 230.000 ha đất đang được sử dụng, chủ yếu tập trung tại các quận Eluru, West Godavari và Krishna. Riêng tôm thẻ chân trắng được nuôi trên diện tích hơn 101.000 ha trên toàn bang.

Đan Linh

Theo Economictimes

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!