(TSVN) – Các địa điểm mới này được xác định là một phần trong kế hoạch của CMFRI nhằm thúc đẩy sản xuất nuôi trồng hải sản biển với năng suất sản xuất tới 2,13 triệu tấn mỗi năm.
Nhằm mục đích trao cho người dân ven biển các lựa chọn sinh kế bổ sung, ICAR-Viện Nghiên cứu Nghề cá Biển Miền Trung (CMFRI) đã lên kế hoạch thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng hải sản trên khắp các bang ven biển của đất nước.
Thông báo về kế hoạch khi ra mắt dự án “Trường học mùa đông kéo dài 21 ngày” về nuôi trồng hải sản cho các nhà nghiên cứu và học giả tại CMFRI, Giám đốc Viện – TS. A Gopalakrishnan, cho biết: “CMFRI đã xác định và tham chiếu địa lý của 146 địa điểm tiềm năng có thể nuôi lồng biển trong phạm vi 10 km trên biển. Dọc theo bờ biển Ấn Độ, các khu vực có thể sản xuất 2,13 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, 4 địa điểm ở Kerala sở hữu diện tích gần 1300 ha”. Trước đó, Viện CMFRI đã xác định được 342 địa điểm tiềm năng có thể trồng rong biển với khả năng sản xuất 9,7 triệu tấn (trọng lượng ướt) trong một năm.
Nuôi lồng dọc ven biển Ấn Độ sẽ giúp tăng sinh kế cho người dân địa phương. Ảnh: World Fish
“CMFRI đã phát triển và chuẩn hóa công nghệ nuôi lồng biển bản địa phù hợp với vùng biển mở và ven biển Ấn Độ. Trung bình, có thể sản xuất tới 3 tấn cá trong vòng 8 tháng. CMFRI đã ước tính rằng nông dân có thể kiếm được lợi nhuận kinh tế từ khoảng 1.800 – 3.000 USD tùy thuộc vào loài được trồng từ mỗi vụ,” ông nói.
Ngoài nuôi lồng trên biển, các công nghệ nuôi rong biển và nuôi trồng thủy sản đa dinh dưỡng tổng hợp (IMTA) – một phương thức sáng tạo kết hợp nuôi rong biển và vẹm với nuôi cá lồng – đã được CMFRI chứng minh là thành công trong việc tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân ven biển, TS. Gopalakrishnan cho biết.
Về tình trạng nuôi trồng hải sản của Ấn Độ, vị Giám đốc CMFRI cho biết sản lượng nuôi trồng hải sản hiện tại là dưới 0,1 triệu tấn mỗi năm so với tiềm năng dự kiến từ 4 – 8 triệu tấn.
Kuldeep K Lal, Giám đốc ICAR-Viện nuôi trồng thủy sản nước lợ miền Trung (CIBA), kêu gọi các nhà khoa học tập trung vào các công nghệ bản địa và các giống cá địa phương sẽ mang lại thịnh vượng cho người dân. “Phát triển công nghệ phù hợp với tầm nhìn tốt sẽ giúp thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân kể cả ở vùng nông thôn”, ông nói.
Dự án “Trường học mùa đông kéo dài 21 ngày” nhằm mục đích phổ biến các công nghệ nuôi trồng hải sản của CMFRI bằng cách đào tạo cho một nhóm các nhà nghiên cứu đa dạng từ các vùng khác nhau của đất nước. Tổng cộng có 22 nhà nghiên cứu từ 7 tiểu bang tham dự chương trình.
Imelda Joseph, Giám đốc Dự án, cho biết việc phổ biến các công nghệ nuôi trồng hải sản sẽ mang lại cơ hội việc làm cho cộng đồng ven biển và mở đường cho việc trao quyền cho phụ nữ.
Anh Anh
Theo TFS