(TSVN) – Là một trong những vùng dịch lớn nhất thế giới, xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn kỳ vọng xuất khẩu tôm tăng 20% và duy trì vị trí dẫn đầu thị trường thế giới.
Đại dịch COVID-19 và thị trường giao thương trì trệ, đã phủ bóng đen lên toàn ngành thủy sản vừa mới hồi sinh của Ấn Độ, khi cả nước xuất khẩu 1.149.341 tấn thủy sản, trị giá 43.717,26 crore RS (5,96 tỷ USD) suốt năm tài khóa 2020 -2021, giảm 10,88% về khối lượng so một năm trước đó.
Mỹ, Trung Quốc và châu Âu là những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Ấn Độ, với nhóm hàng tôm đông lạnh vẫn duy trì vị trí mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiếp đến là cá đông lạnh. Trong năm 2019 – 2020, Ấn Độ đã xuất khẩu 1.289.651 tấn thủy sản, trị giá 46.662,85 crore RS (6,68 tỷ USD), giảm 6,31% về giá trị đồng rupee và 10,81% giá trị đồng USD trong năm 2021 – 2021.
“Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản suốt nửa đầu năm, nhưng đã phục hồi rất tốt vào quý cuối cùng của năm tài khóa 2020 – 2021. Cũng như vậy, ngành NTTS cũng phát triển tốt hơn suốt năm này, khi đóng góp 67,99% danh mục hàng hóa xuất khẩu về giá trị đồng USD và 44,45% khối lượng, lần lượt tăng 4,41% và 2,48% so năm tài khóa 2019 – 2020”, theo K. S. Srinivas, Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (MPEDA).
Tôm đông lạnh chiếm 51,36% về khối lượng và 74,31% về tổng doanh thu xuất khẩu. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với khối lượng 272.041 tấn, tiếp đến là Trung Quốc 101.846 tấn, châu Âu 70.133 tấn, Nhật Bản 40.502 tấn, Đông Nam Á 38.389 tấn và Tây Á 29.108 tấn. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm đã giảm tới 9,47% về giá trị USD và 9,50% về khối lượng.
Sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ và sự hồi sinh của chuỗi cung ứng đã là động lực giúp ngành tôm Ấn Độ tăng trưởng. Ảnh: Altair exports
Nhìn chung, xuất khẩu tôm đạt 590.275 tấn, trị giá 4.426,19 triệu USD. Xuất khẩu TTCT đã giảm từ 512.204 tấn xuống 492.271 tấn trong năm tài khóa 2020 – 2021. Còn về tôm sú, Nhật Bản – thị trường xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ cũng giảm 39,68% về giá trị đồng USD, tiếp theo là Mỹ giảm 20,03%, Đông Nam Á giảm 9,32%, châu Âu giảm 8,95%, Tây Á giảm 6,04% và Trung Quốc giảm 3,76%.
Bên cạnh đại dịch COVID-19, Chủ tịch MPEDA cho biết, vẫn còn những yếu tố khác đã ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ suốt năm tài khóa 2020 – 2021. Về sản xuất, sản lượng khai thác thủy sản của cả nước cũng giảm, do số ngày được phép khai thác ít hơn, giao nhận vận tải trì trệ và thị trường bất ổn. Khan hiếm công nhân tại các nhà máy chế biến thủy, hải sản và công ty khai thác cá, thiếu hụt container tại cảng biển, phí vận tải hàng không tăng cao và chuyến bay cũng bị hạn chế, tất cả đã ảnh hưởng đến xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng ướp lạnh và tươi sống có giá trị cao.
Tình hình tại thị trường quốc tế cũng là một yếu tố tác động tiêu cực tới xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ. Tại Trung Quốc, thiếu hụt container, phí vận tải tăng và xét nghiệm COVID-19 trên các lô hàng thủy sản, đã khiến thị trường này trở nên bất định. Tại Mỹ, hãng xuất khẩu không thể đặt hàng đúng thời gian vì khan hiếm vỏ container. Việc đóng cửa phân khúc dịch vụ ẩm thực (HoReCa), cũng tác động tới nhu cầu tiêu thụ chung trên thị trường. Ở Nhật Bản và châu Âu, tiêu thụ tại kênh bán lẻ, nhà hàng, siêu thị và khách sạn, cũng trì trệ hơn trong các đợt phong tỏa do COVID-19.
Dù gặp nhiều trở ngại do COVID-19 và thị trường xuất khẩu trì trệ, song ngành tôm Ấn Độ vẫn kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu 20%, khoảng 4,3 tỷ USD trong năm 2021 và duy trì vị trí dẫn đầu thị trường tôm toàn cầu. Động lực để ngành tôm Ấn Độ tự tin ngược dòng ngoạn mục, có lẽ là nhờ sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ và sự hồi sinh của chuỗi cung ứng từng bị gián đoạn vào năm ngoái do đại dịch COVID-19. Đây cũng là cơ sở để Ấn Độ dành lại vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu tôm, sau sự sụt giảm kéo dài suốt 2 đợt bùng phát COVID-19 trong năm ngoái.
Rahul Guha, Giám đốc Crisil Ratings cho biết, xuất khẩu tôm của Ấn Độ đã giảm 23% trong năm 2020 do nhu cầu tiêu thụ đóng băng, trong đợt phong tỏa tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực và sự gián đoạn nguồn cung tôm giống từ Mỹ, đã tác động đến chu kỳ nuôi và thu hoạch tôm nội địa. Tuy vậy, điểm sáng duy nhất chính là làn sóng COVID lần thứ 2, đã không nghiêm trọng đến mức chính phủ phải ban hành lệnh hạn chế nghiêm ngặt về vận chuyển tôm nguyên liệu và tôm giống, do đó không gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng như làn sóng COVID-19 đầu tiên, theo Rahul Guha. Ấn Độ tự tin các hãng xuất khẩu tôm trong nước vẫn xoay sở tốt và giữ được vị trí, cùng với mức tăng trưởng trung bình 20% trong năm nay.
Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam chiếm 55% doanh số tôm toàn cầu. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn là nước xuất khẩu tôm nổi bật hơn trong thập kỷ trước, nhờ tập trung vào kiểm soát chất lượng và dịch bệnh, đồng thời linh hoạt chuyển sang giống tôm bố mẹ sạch bệnh, kháng bệnh tốt nhập khẩu từ Mỹ. Người nuôi tôm tại các bang: Andhra Pradesh, Tamil Nadu, Odisha và West Bengal cũng hưởng lợi từ các đặc khu NTTS, được chính quyền bang xây dựng và sự hỗ trợ điện và vốn. Chính phủ Ấn Độ gần đây tuyên bố các chương trình khuyến khích sản xuất cho ngành chế biến thực phẩm, gồm tôm giá trị gia tăng, sẽ giúp nâng cao xuất khẩu trong năm nay. Thuế trả đũa của Mỹ lên các sản phẩm tôm, ảnh hưởng không đánh kể lên sự tăng trưởng của ngành tôm, ước tính chỉ 6,3 triệu USD. Nhưng nếu sự gián đoạn chuỗi cung ứng tại các bang nuôi tôm chính của cả nước còn kéo dài sang quý 2 của năm tài khóa, thì nó có thể cản trở sự tăng trưởng xuất khẩu của tôm Ấn Độ.
Vũ Đức
Tổng hợp