Vào thời điểm này, bà con vùng sông nước MiềnTây nói chung, huyện đầu nguồn An Phú nói riêng lại háo hức đón chào mùa nước nổi, bởi ngoài việc bồi đắp phù sa cho ruộng đồng thêm tươi tốt, mùa lũ về còn mang theo nhiều sản vật đa dạng, phong phú từ thiên nhiên, để rồi với việc khai thác thủy sản mùa nước nổi, đời sống của bà con cũng nhờ vậy mà khá lên. Phóng sự sau đây được ghi nhận tại vùng lũ xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm về khai thác, đánh bắt thủy sản nên ngay từ đầu mùa lũ anh Nguyễn Văn Nhớ ở ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú cho biết “gia đình anh đã chuẩn bị nhiều tay lưới mới và tận dụng lưới cũ của mùa lũ năm trước cho vụ làm ăn của gia đình mình. Hàng ngày hai buổi rong ruổi cùng chiếc xuồng với các tay lưới, cùng với việc hái thêm bông súng, bông điên điển, bắt cua ốc bán cho những hộ nuôi lươn mỗi ngày trung bình cũng kiếm được gần 200 ngàn đủ để anh trang trải cuộc sống cho gia đình, cũng như mua sắm quần áo, dụng cụ học tập cho các con khi mùa tựu trường sắp bắt đầu”.
Xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú trong những ngày này, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh bà con tất bậc chuân bị tay lưới, xuồng ghe để khai thác thủy sản mùa nước nổi, đối với bà con ngoài việc trồng lúa, rau màu trong mùa khô, thì mùa nước nổi cũng là mùa làm ăn mới trong năm. Tuy lượng cá mỗi năm có ít đi, nhưng tùy theo mỗi gia đình sẽ có cách làm khác nhau để phù hợp với tình hình làm ăn theo từng thời điểm, người thì đánh bắt cá, người thì tận dụng nguồn thức ăn từ cua, ốc để làm mồi nuôi lươn, hay các loại cỏ từ thiên nhiên để nuôi bò vỗ béo ….
Ông Lê Văn Dồi, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú cho biết “Với đặc thù không có đê bao khép kín, vì vậy khác với các địa phương khác có thêm sản xuất vụ 3, hàng năm vào thời điểm này, phần đông bà con nông dân xã Vĩnh Lộc tập trung chủ yếu vào việc khai thác đánh bắt cá để tăng thêm thu nhập”. Và mùa lũ năm nay được bà con đánh giá khả quan hơn bởi nhờ chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thường xuyên kiểm tra việc cấm đánh bắt cá bằng xung điện, lưới cước, ghe cào … nên lượng cá cũng nhiều hơn mọi năm”.
Một mùa nước nổi nữa lại về, cùng với bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long, người dân vùng đầu nguồn lũ huyện An Phú lại đón nguồn nước ngọt phù sa của thiên nhiên ban tặng. Trên khắp vùng đất đầu nguồn An Giang, đâu đâu cụm từ “sống chung với lũ” cũng được bà con râm ran chia sẻ. Thật vậy, ngày nay, mỗi mùa nước nổi về cũng đồng nghĩa với một mùa làm ăn mới, một mùa an sinh của bà con nông dân bao đời “thân thuộc” với con nước miền Tây.