Các loại hình nuôi trồng thủy sản theo quy mô gia đình đang có xu hướng phát triển, nhiều địa phương cũng đã quan tâm dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật để giúp nông dân ứng dụng đạt hiệu quả cao, vừa tạo ra công ăn việc làm, vừa tăng thu nhập cho gia đình.
Nghề nuôi trăn ở khóm Long Qưới B hình thành hơn 10 năm nay, ban đầu chỉ có 6 thành viên là những nông dân… ham mê sở thích, dần dà được phường Long Phú và Hội Nông dân thị xã Tân Châu tổ chức cho học nghề, rồi phát triển thành mô hình với 30 hộ tham gia nuôi từ 10 – 30 con/hộ. Năm 2009, Tổ hợp tác nuôi trăn Long Qưới B thành lập, được vay vốn từ nguồn quỹ “Hỗ trợ nông dân” để phát triển số lượng. Thực tế cho thấy, nuôi trăn thịt sau 7 – 8 tháng cho trọng lượng 6 – 8kg/con, còn việc nuôi trăn để sinh sản thì đúng một năm sẽ cho ra giống mới. Qua hạch toán, anh Nguyễn Văn Hấu cho biết, hộ nuôi trăn 7 – 8 tháng thu lợi nhuận 10 – 12 triệu đồng, trung bình 1 triệu đồng/tháng/hộ. “Mặc dù nguồn lợi không lớn, song giải quyết việc làm lúc nhàn rỗi, coi như kinh tế phụ gia đình” – anh Hấu nói.
Xúc mô bắt lươn giống thiên nhiên.
Tại xã Vĩnh Xương có khoảng 100 hội viên, nông dân được Phòng Kinh tế Tân Châu và Hội Nông dân thị xã tổ chức dạy nghề nuôi cá lóc, lươn và ếch Thái Lan. Trong đó, có việc ương con giống và nuôi ếch thịt được tổ chức khá thành công. Từ kết quả chuyển giao kỹ thuật, xây dựng điểm trình diễn và nhân rộng mô hình qua cách làm mới, người dân vùng biên giới này có cơ hội tiếp cận, ứng dụng tạo ra nguồn thủy sản ngày càng phong phú và đa dạng về chủng loài sau cá ba sa, cá tra. Rút kinh nghiệm từ mô hình này, Hội Nông dân thị xã Tân Châu phối hợp các ngành tiếp tục dạy nghề kỹ thuật và tổ chức thêm tại các phường, xã. Còn ở xã Long An, từ Tổ hùn vốn Long Thành đã xuất phát nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ cho hội viên và nông dân có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Luộc hến làm thức ăn nuôi trồng thủy sản.
Với kinh nghiệm của nông dân phường Mỹ Thới, địa bàn ngoại thành Long Xuyên có số hộ nuôi lươn nhiều nhất thì với chất liệu ny-lon, diện tích mỗi bồn 40m2 (4m x 10m), có thể thả lươn giống 40 – 50 con/m2 (loại 50 – 60 con/kg), sau 5 – 6 tháng nuôi cho trọng lượng 150 – 200g/con, sản lượng đạt 150kg – 250kg/bồn. Tính tổng chi phí đầu tư trên 14 triệu đồng/bồn, giá thành 57.000đ/kg; giá bán bình quân 110.000đ/kg, người nuôi doanh thu trên 27 triệu đồng/bồn, trừ chi phí còn lời trên 13 triệu đồng/bồn. Ông Võ Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Long Xuyên nhấn mạnh, công tác huấn luyện kỹ thuật và xây dựng điểm trình diễn rất quan trọng, góp phần vào sự thành công về chất lượng và hiệu quả kinh tế sau mỗi vụ nuôi. Nhờ vậy, khóm Long Hưng 2 (phường Mỹ Thới) đã có hơn 60 hộ nuôi lươn, mỗi hộ xây dựng từ 2 đến 6 bồn đều đạt kết quả tốt. Điều đáng lưu ý hơn, nghề nuôi lươn ở Mỹ Thới còn giải quyết việc làm cho số đông lao động, như cào hến và bắt ốc bươu vàng trong mùa nước nổi để làm thức ăn cho lươn.
Còn tại Phú Tân, nông dân cũng duy trì và phát huy tốt các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Trong đó, nuôi bò vỗ béo (nông dân Võ Đông Hòa, xã Tân Hòa), nuôi trăn, cá sấu (nông dân Lê Văn Lên, xã Phú Thạnh); trồng nấm rơm (nông dân Nguyễn Văn Rạch, xã Phú An)… là những mô hình tiêu biểu bên cạnh cây nếp, cây lúa chất lượng cao và sản xuất lúa giống, dịch vụ phục vụ nông nghiệp ở các xã, thị trấn. Ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch Hội Nông dân Phú Tân cho biết, huyện phối hợp các ngành mở hàng chục lớp dạy nghề, hàng trăm cuộc hội thảo và tuyên truyền có hơn 4.000 hội viên, nông dân tham dự. Ông Đức nói: “Hai năm gần đây, Phú Tân chú trọng việc xây dựng các mô hình làm ăn, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật và tổ chức tham quan hội thảo, giúp hội viên, nông dân tìm hiểu thực tế rồi tự ứng dụng rất hiệu quả”.