(TSVN) – An Giang là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Theo Sở NN&PTNT An Giang, 6 tháng đầu năm 2024, giá thủy sản tuy có giảm nhưng tình hình xuất khẩu thủy sản khởi sắc nên diện tích nuôi trồng được mở rộng, sản lượng thu hoạch tăng cùng kỳ.
An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long có diện tích tự nhiên 3.536,7 km2, với 2 con sông lớn chảy qua là sông Tiền (87 km chiều dài) và sông Hậu (100 km chiều dài), hình thành nên nhiều hệ thống sông nhánh tự nhiên với chiều dài từ vài km đến 30 km, tạo điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản phát triển.
Những năm qua, thủy sản là 1 trong 2 ngành hàng nông nghiệp thế mạnh của An Giang. Ngoài đối tượng nuôi chủ lực là cá tra, An Giang còn nhiều đối tượng nuôi bản địa đa dạng, phong phú, như: Cá điêu hồng, cá lóc bông, cá basa, cá hú, cá he, tôm càng xanh, cá rô phi, cá lóc, cá rô đồng, cá thát lát, cá hô, cá chạch lấu, cá chình, cá bông lau, cá ét, cá lăng… Các loài thủy sản này có thị trường tiêu thụ lớn ở Campuchia.
Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2024. Nguồn: Cục Thống kê An Giang
Theo Sở NN&PTNT An Giang, hiện, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh có khoảng 3.100 ha, khoảng 5.682 lồng, bè, với hơn 2.600 hộ nuôi thủy sản ao hầm, 3.566 hộ nuôi lồng, bè, vèo và 1.400 hộ nuôi giống thủy sản các loại. Sản lượng thu hoạch thủy sản trên 600.000 tấn/năm, sản xuất, thuần dưỡng giống thủy sản các loại hơn 6 tỷ con giống/năm.
Bước sang tháng 4/2024, tình hình xuất khẩu thủy sản bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc nên giá bán cá tra nguyên liệu có tăng chút ít so những tháng đầu năm 2024. Cụ thể, giá bán cá tra nguyên liệu dao động từ 27.000 – 30.000 đồng/kg, với mức giá bán này đối với hộ nuôi đã có lợi nhuận, riêng các doanh nghiệp có chu trình sản xuất khép kín sẽ đạt mức lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ các loại thủy sản khác cũng luôn ở mức cao, nên diện tích nuôi và sản lượng thu hoạch tăng so cùng kỳ.
Ước tính tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 357 nghìn tấn, tăng 5,42% (+18,4 nghìn tấn) so cùng kỳ, gồm: Sản lượng cá tra thu hoạch hơn 324,8 nghìn tấn, tăng 6,33% (+19,4 nghìn tấn) chủ yếu tăng sản lượng thu hoạch thuộc vùng nuôi của doanh nghiệp với khoảng 207 nghìn tấn (chiếm 63,73% tổng sản lượng cá tra), tăng 12 nghìn tấn so cùng kỳ; Tổng sản lượng thu hoạch các loại cá khác hơn 32,2 nghìn tấn, giảm 3% (- 1 nghìn tấn) so cùng kỳ; Nhu cầu và giá bán luôn ổn định ở mức cao nên sản lượng các loại thủy sản khác thu hoạch khoảng 165 tấn, tăng 9,56% (+14 tấn) so cùng kỳ.
Thời gian tới, ngành thủy sản tiếp tục đẩy mạnh phát triển các đối tượng tiềm năng có khả năng xuất khẩu sang thị trường Campuchia và các loài đặc sản có giá trị kinh tế cao. Với cá tra, được xác định là loài thủy sản chủ lực, ngành chuyên môn tỉnh tăng cường kiểm tra, phân loại, đánh giá điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cơ sở nuôi cá tra thương phẩm, đảm bảo kiểm soát mối nguy tồn lưu dư lượng kháng sinh và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, tiếp tục phát triển các vùng nuôi tập trung, vùng chuyên canh sản xuất cá tra thương phẩm ứng dụng công nghệ cao, áp dụng khoa học – kỹ thuật, quản lý cơ sở theo các tiêu chuẩn quốc tế (ASC, BAP) để hạn chế dịch bệnh và hao hụt, giảm chi phí sản xuất, tăng cạnh tranh của sản phẩm.
Nam Cường