An Giang: Nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường

Chưa có đánh giá về bài viết

Ô nhiễm nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) tạo nguy cơ thiệt hại lớn cho hoạt động sản xuất. Sở NN&PTNT An Giang cùng các sở, ban, ngành liên quan đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.

Hiệu quả cao

Nghề nuôi cá tra của An Giang những năm qua phát triển nhanh, mạnh theo xu hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Sản lượng cá tra nuôi trong ao đạt 200 – 300 tấn/ha, cá tra và cá basa nuôi bè đạt 100 – 150 kg/m3/bè… Ngành cá tra đang gặp khó khăn, giá bán xuống thấp, song khi liên kết với các doanh nghiệp lớn, người nuôi cá vẫn được đảm bảo. Ngoài ra, các mô hình nuôi trồng thủy sản khác cũng cho hiệu quả cao; đặc biệt, mô hình nuôi cá rô phi, điêu hồng trong bè, lợi nhuận 400 – 700 triệu đồng/năm… Mô hình tôm càng xanh luân canh trên nền đất ruộng, với năng suất tôm nuôi đạt 1.340 – 1.633 tấn/vụ, lợi nhuận 110 – 135 triệu đồng/năm. Mô hình nuôi sinh thái và một số mô hình khác cũng đang được nhân rộng, thích nghi điều kiện địa phương, mang lại hiệu quả cao.

Sản lượng cá tra nuôi trong ao ở An Giang đạt 200-300 tấn/ha – Ảnh: CTV

 

Gắn với bảo vệ môi trường

Sở NN&PTNT cùng Sở TN&MT đã tổ chức giám sát định kỳ tại các vùng trọng điểm, nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm nguồn nước và đưa ra cảnh báo cho người dân trong sinh hoạt và thả nuôi. Xử lý nước thải và bùn thải ao hầm nuôi thủy sản là vấn đề được tỉnh đặc biệt quan tâm chú trọng hoạt động tập huấn, tuyên truyền văn bản pháp luật liên quan về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm người dân khi tham gia sản xuất thủy sản.

Ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục NTTS An Giang cho biết, một số mô hình nuôi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường đã và đang được áp dụng, như: Xử lý nước thải bằng chế phẩm sinh học tại huyện Châu Thành và huyện Châu Phú; hướng cho người nuôi bè thủy sản không xả thải trực tiếp ra sông, xử lý đúng nơi quy định để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cùng đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thủy sản xây dựng và mở rộng vùng nuôi cá theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn chất lượng và có hệ thống xử lý nước thải không gây ô nhiễm; xây dựng dự án liên kết chuỗi, gắn kết các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như: Công ty CP XNK An Giang, Công ty CP Việt An, Công ty TNHH SX – TM – DV Thuận An…

“An Giang đã đạt nhiều hiệu quả trong bảo vệ môi trường NTTS, nhưng còn không ít khó khăn”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, Phạm Thị Hòa cho biết. Các phương pháp xử lý nước thải hiện nay đều đòi hỏi chi phí đầu tư cao, khó vận hành, cần có diện tích lớn để bố trí ao xử lý nước thải; trong khi, giá tiêu thụ cá tra ở mức thấp, chi phí đầu vào (thức ăn, nguyên liệu, nhiên liệu) tăng. Vì vậy, việc áp dụng phương pháp xử lý nước thải trong NTTS chỉ thực hiện được với các hộ nuôi quy mô lớn, các vùng nuôi cá sạch của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Do chưa có tiêu chuẩn nước mặt riêng cho NTTS nên việc áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6774:2000, TCVN 9542:1995 Quy định về tiêu chuẩn chất lượng nước mặt các chỉ số ô nhiễm tương đối cao và yêu cầu đối với nước thải chưa phù hợp nước thải hoạt động NTTS.

>> Năm 2013, Sở NN&PTNT An Giang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tập huấn và tuyên truyền NTTS gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, tuyên truyền việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP, VietGAP…) tại các vùng nuôi, doanh nghiệp chế biến thủy sản…

Hải Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!