T2, 12/12/2022 09:37

An toàn lao động trên tàu cá: Cần được quan tâm đúng mức

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Việc thuê, sử dụng lao động không có hợp đồng lao động dẫn đến ngư dân không được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội, không được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, cứu trợ khi bị rủi ro, tai nạn, thương tích…; không có cơ sở nhận bồi thường khi có tranh chấp. Vấn đề này cần được quan tâm đúng mức, để giảm rủi ro cho ngư dân khi tham gia khai thác thủy sản.

Theo báo cáo đánh giá hiện trạng rủi ro an toàn lao động và tiếp cận an sinh xã hội lao động tàu cá khai thác tại Việt Nam của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản tại “Diễn đàn đối thoại khuyến nghị thực thi và cải thiện chính sách đảm bảo an toàn lao động và an sinh xã hội cho ngư dân khai thác hải sản tại Việt Nam” vừa diễn ra ngày 18/11 tại Hà Nội cho thấy; trong khai thác hải sản, đặc biệt các nghề đánh bắt xa bờ, các chủ tàu thường phải thuê thuyền trưởng, máy trưởng và các thuyền viên/thợ bạn/lao động đánh bắt hải sản, bao gồm cả lao động tự do từ các vùng, miền khác. Việc thuê hiện nay chủ yếu dưới hình thức thỏa thuận miệng mà hầu như không ký hết hợp đồng lao động. Điều này xuất phát từ sự hạn chế trong nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của hai bên, chưa nắm rõ các quy định pháp lý cũng như chưa có thói quen làm việc thông qua giấy tờ, văn bản. Chính vì vậy, việc kiểm soát và quản lý các ngư dân/lao động đánh cá hiện nay rất khó khăn, đặc biệt tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình khai thác thủy sản trên biển.

Ảnh: ZING

Mỗi nghề khai thác khác nhau sẽ có tỷ lệ phân chia lợi nhuận khác nhau, tùy thuộc vào đặc thù khai thác của từng nghề. Thông thường, thuyền viên được hưởng 40 – 60% lợi nhuận (sau khi đã trừ chi phí). Ngoài ra, một số địa phương xuất hiện hình thức chủ tàu trả lương cố định cho thuyền viên hay lao động. Tuy nhiên tất cả đều chỉ là thỏa thuận miệng chứ không có hợp đồng lao động.

Mặc dù nghề biển là một nghề vất vả, độc hại, nguy hiểm với nhiều rủi ro về tai nạn lao động tàu cá và bệnh nghề nghiệp nhưng thu nhập của lao động nghề cá hiện nay chưa tương xứng với sự vất vả, nguy hiểm, rủi ro của nghề. Kết quả khảo sát tại 3 tỉnh Bình Định, Quảng Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu cho thấy, thu nhập trung bình của các lao động khai thác được phỏng vấn khoảng 8,4 triệu đồng/tháng.

Theo ông Đỗ Việt Đức, Chuyên viên Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ: “Các quy định liên quan đến an toàn lao động trên tàu cá được thể hiện đầy đủ trong Luật Lao động năm 2019 và Luật An toàn lao động về quyền và nghĩa vụ của ngư dân đi trên tàu cá, quyền và nghĩa vụ của chủ tàu và thuyền trưởng, quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động. Tuy nhiên, chính sách có đầy đủ nhưng vấn đề thực thi chính sách lao động trên tàu cá gặp nhiều khó khăn. Theo quy định thời gian lao động từ 1 tháng trở lên yêu cầu phải có hợp đồng lao động nhưng trên thực tế nghề khai thác hải sản xa bờ thời gian đánh bắt một chuyến biển dài nhất, khoảng 25 – 27 ngày/tháng/chuyến biển. Một số tàu khai thác xa bờ, thời gian chuyến biển có thể kéo dài từ 3 – 6 tháng (chủ yếu là tàu kéo đôi). Việc giám sát thực thi và xử lý vi phạm trong lao động tàu cá chưa được thực hiện. Người lao động và người sử dụng lao động thậm chí không biết đến quyền và trách nhiệm của mình”.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Vụ Phó Vụ Khai thác thủy sản cho biết: “Theo Luật Lao động, cấm ngược đãi lao động và cưỡng bức lao động; tuy nhiên trên thực tế tàu cá không thực hiện được. Trong thời gian tới vấn đề thực thi chính sách cần được quan tâm. Tổng cục Thủy sản sẽ phối hợp với các bên liên quan từng bước tay đổi nhận thức và đào tạo kỹ năng đi biển cho ngư dân, hoàn thiện Quy chuẩn về an toàn lao động tàu cá”.

Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam Trần Văn Luận chia sẻ: “Nghiệp đoàn sẽ phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức thí điểm về hợp đồng lao động tàu cá ở một địa phương trong năm 2023. Việc này cần thời gian, định hướng và hợp tác của các địa phương nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động trên tàu cá”.

>> Tổ chức ActionAid đã hỗ trợ Dự án: “Nghiên cứu hiện trạng rủi ro an toàn lao động trên tàu cá và tiếp cận an sinh xã hội của lao động trong khai thác hải sản, góp phần cải thiện thực thi chính sách tại Việt Nam”; phạm vi nghiên cứu và hoạt động được triển khai tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Bình Định và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ái Trinh 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!