An toàn thực phẩm cần gắn với nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – “Một trong các nhiệm vụ mà Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cần thực hiện trong năm 2024 là tập trung xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm từ nhà máy đến hợp tác xã, vùng nguyên liệu.”

Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường diễn ra sáng 04/01/2024 tại Hà Nội. Hội nghị do Thứ trưởng Trần Thanh Nam và Cục trưởng Nguyễn Như Tiệp đồng chủ trì. 

Chủ động, mở cửa thị trường

Theo báo cáo của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, năm 2023 Cục luôn chủ động, tích cực phối hợp liên ngành với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Công an… để thực hiện công tác về an toàn thực phẩm (ATTP), hoạt động liên ngành, xây dựng văn bản quy định, xử lý sự cố ATTP, chủ động xử lý các sự cố mất ATTP; Kịp thời hướng dẫn các cơ quan hữu quan của tỉnh Quảng Nam triển khai, khắc phục sự cố ATTP và cung cấp thông tin liên quan về một số vụ ngộ độc do ăn cá chép muối ủ chua ở Quảng Nam; Xử lý các thông tin phản ánh của báo chí về thủy sản sống,…

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Cùng với đó, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã chủ động đàm phán mở cửa thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ nông lâm thủy sản (NLTS). Ước tính năm 2023, Cục đã bổ sung 38 cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Hàn Quốc nâng tổng số lên 786 cơ sở; 13 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU nâng lên tổng số lên 524 cơ sở; 45 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ, cua, tôm hùm sống nâng tổng số lên 585 cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc; 01 cơ sở cá tra vào Hoa Kỳ nâng tổng số lên 26 cơ sở; 02 cơ sở xuất khẩu thủy sản vào Liên bang Nga nâng tổng số lên 83 cơ sở;…Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS ước đạt 53,01 tỷ USD.

Cũng trong năm 2023, các đơn vị sự nghiệp thuộc Cục đã cấp Giấy chứng nhận ATTP cho 107.563 lô hàng tương ứng với hơn 1,8 triệu tấn thủy sản xuất khẩu, trong đó cấp theo yêu cầu của nước nhập khẩu hơn 1,2 triệu tấn thủy sản xuất khẩu; cấp theo yêu cầu khách hàng gần 600 nghìn tấn thủy sản. Các đơn vị đã tổ chức đào tạo, tập huấn 128 lớp tại các doanh nghiệp về kiến thức ATTP, HACCP, truy xuất, xử lý sự cố ATTP…

Nỗ lực trong năm 2024

Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp nhận định: Năm 2023 là một năm thành công nhưng cũng đầy thách thức đối với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sau khi hợp nhất 2 đơn vị (Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản và Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản). Tuy nhiên, dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục nhiều biến động phức tạp, khó lường đan xen với các cơ hội trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, đòi hỏi Cục cần bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và của Bộ, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. 

Trong đó, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nêu ra một số nhiệm vụ quan trọng như: Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kiện toàn tổ chức, tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý về chất lượng, ATTP, chế biến và phát triển thị trường; Tổ chức vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến gắn với cơ sở chế biến nông thủy sản bảo đảm chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; Hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chuyển giao ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, gia tăng chế biến; Tổ chức sản xuất theo quy định thị trường; Xây dựng, phát triển thương hiệu, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương phát triển thị trường trong và ngoài nước,…

Đảm bảo ATTP từ nhiều phương diện 

Tham luận tại Hội nghị, ông Lê Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm chất lượng NLTS vùng 3 cho biết: Trong năm 2023, chúng ta gặp nhiều khó khăn do có nhiều thay đổi về quy định thị trường, nếu không nhanh chóng có những tháo gỡ vướng mắc với quy định thế hệ mới này thì rất khó cho việc xuất khẩu. Ông Lâm cũng đề xuất cần thiết lập các kênh đầu mối quy định thị trường mà Việt Nam và các nước đối tác cùng quan tâm, có những thỏa thuận hợp tác với nước ngoài trong kiểm soát ATTP.  

 Ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm chứng và tư vấn chất lượng NLTS chia sẻ: Trung tâm đang xây dựng phần mềm các thị trường giúp trả lời 2 câu hỏi “sản phẩm bán được ở đâu và muốn bán sản phẩm dự kiến cho thị trường này thì cần đáp ứng những quy định nào”. Ứng dụng góp phần tạo ra hệ sinh thái cung cấp chất lượng ATTP. Hiện, phần mềm đang thử nghiệm trên điện thoại với 8 sản phẩm, trong đó có sản phẩm tôm đông lạnh. Với các thị trường khác nhau thì yêu cầu về chất lượng và nguồn gốc con tôm cũng khác nhau. Thông qua ứng dụng, người dùng có thể kết nối trực tiếp đến nhà cung ứng. 

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhận Bằng khen của Bộ Công an với những đóng góp xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc

Qua lắng nghe ý kiến từ các đơn vị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam ghi nhận sự nỗ lực của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường để hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2023. Năm 2024 dự báo sẽ có nhiều khó khăn, do vậy Cục cần đánh giá những thuận lợi và khó khăn, từ đó đề ra phương hướng chỉ đạo chuyên môn sát với từng ngành và đề xuất giải pháp cụ thể. 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm mà Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cần thực hiện trong năm tới bao gồm: Hoàn thiện, củng cố, phối hợp để xây dựng lực lượng ATTP ở cơ sở, kết hợp với khuyến nông hình thành khuyến nông ATTP; ATTP phải gắn với nông thôn mới, xây dựng mô hình ở một số vùng trọng điểm gắn với sản phẩm chủ lực; Phát triển số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu.

Thứ trưởng nêu ra một dẫn chứng, để sản phẩm tôm nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường, đảm bảo ATTP, người nông dân cần có con giống tốt, ao nuôi phù hợp, môi trường không ô nhiễm. Để thực hiện được yêu cầu đó, cần xây dựng chuỗi liên kết từ vùng nuôi đến các nhà máy, tạo sự thấu hiểu giữa doanh nghiệp và người dân. 

Thời gian qua, Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá mạnh về máy móc, công nghệ nhưng lại yếu về ATTP. Các đối tác điển hình như Trung Quốc luôn yêu cầu minh bạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mã số vùng. Để đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường, chúng ta cần tập trung xây dựng chuỗi ATTP từ nhà máy đến hợp tác xã, vùng nguyên liệu. Đặc biệt, ATTP phải gắn với nâng cao trách nhiệm, nhận thức của người sản xuất, cần tuyên truyền để người dân hiểu “nếu nông sản tồn dư kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật thì rất khó cạnh tranh trên thị trường”. 

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!