Cá nhụ bốn râu (gọi tắt là cá nhụ) (Eleutheronema tetradactylum) là một trong những loài hải đặc sản có giá trị kinh tế cao. Thịt cá thơm ngon, mầu sắc bắt mắt, giá trị dinh dưỡng cao và được nhiều thị trường ưa chuộng. Ở Việt Nam, cá nhụ có sự phân bố rộng từ Bắc vào Nam và chiếm một tỷ trọng trong sản lượng khai thác thủy sản.
1. Mở đầu
Cá nhụ bốn râu (gọi tắt là cá nhụ) (Eleutheronema tetradactylum) là một trong những loài hải đặc sản có giá trị kinh tế cao. Thịt cá thơm ngon, mầu sắc bắt mắt, giá trị dinh dưỡng cao và được nhiều thị trường ưa chuộng. Ở Việt Nam, cá nhụ có sự phân bố rộng từ Bắc vào Nam và chiếm một tỷ trọng trong sản lượng khai thác thủy sản.
Hình 1. Cá nhụ bốn râu (Eleutheronema tetradactylum)
Những năm gần đây, thành công trong nghiên cứu đã giúp chúng ta chủ động một lượng giống cá nhụ cho nuôi thương phẩm, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi biển. Tuy nhiên, cá nhụ là một đối tượng mới, những thành công đạt được còn ở giai đoạn ban đầu. Do vậy, cần phải có những nghiên cứu để hoàn thiện cơ sở khoa học, kỹ thuật để đưa đối tượng này vào thực tế. Thực hiện nghiên cứu nhằm đánh giá sinh trưởng của cá nhụ nuôi bằng một số loại thức ăn hiện có ở thị trường Việt Nam. Kết quả nghiên cứu thu được nhằm từng bước góp phần xây dựng quy trình kỹ thuật phù hợp cho nuôi thương phẩm cá nhụ.
2. Vật liệu và phương pháp
2.1. Vật liệu
Cá nhụ bốn râu được sản xuất tại Trung tâm quốc gia Giống Hải sản miền Bắc. Cá thí nghiệm đạt 2 tháng tuổi, chiều dài 10,8 cm và khối lượng 16,5 g.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Bố trí thí nghiệm
Cá nhụ được nuôi ở các bể xi măng 90 m3 (thể tích nước 80 m3), mật độ 3 con/m3, tổng số 240 con/bể. Thí nghiệm được lặp lại ba lần. Thời gian thử nghiệm nuôi 7 tháng. Cá được nuôi với bốn nghiệm thức thức ăn khác nhau (thành phần dinh dưỡng, đặc tính của thức ăn công nghiệp được cho ở bảng 1):
Nghiệm thức 1: Sử dụng thức ăn Ewos (loại đặt hàng có độ đạm 48%); Nghiệm thức 2: Sử dụng thức ăn Skretting (loại sản phẩm bán trên thị trường Stella B); Nghiệm thức 3: Sử dụng thức ăn UP; Thức ăn của công ty Uni – President (UP); loại sản phẩm bán trên thị trường. Nghiệm thức 4: Sử dụng thức ăn cá tạp; loại cá tạp tươi, được thu mua tại trợ cá địa phương.
2.2.2. Chăm sóc và quản lý
Cá nuôi được cung cấp thức ăn phù hợp với cỡ miệng, cá tạp được băm nhỏ, rửa sạch trước khi sử dụng.
Cho cá ăn thỏa mãn nhu cầu (6 – 15% trọng lượng, tùy thuộc từng giai đoạn). Sau khi cá ăn, thức ăn thừa (nếu có) được vớt ra và cân lại. Xi phông bể nuôi 2 lần/ngày (8h, 17h), lượng nước thay 20 – 40%/ngày. Bể nuôi được cung cấp sục khí 24/24, mật độ 1 viên đá/1,5 m2 bể. Số lượng cá được theo dõi từ khi thả vào, con chết được vớt ra (cân, đo) và ghi vào sổ nhật ký.
2.2.3. Thu thập và phân tích số liệu
Số liệu môi trường (nhiệt độ, độ mặn) được đo hàng ngày.
Tiến hành cân đo (chiều dài, khối lượng) 1 lần/tháng. Mỗi lần cân đo 30 con/nghiệm thức. Khi cân đo, cá được gây mê bằng Ethylene glycol monophenyl ether. Sử dụng cân điện tử (có độ chính xác 0,01 g) để cân mẫu cá.
Công thức tính các chỉ tiêu:
Tỷ lệ sống của cá
r = (n/m)x100
Trong đó: n số cá thu hoạch
m số cá thả vào
Tốc độ tăng trưởng đặc trưng về chiều dài SGRL (%/ngày), tốc độ tăng trưởng đặc trưng về khối lượng SGRW (%/ngày)
SGRL = ((LnL2-Ln1)/(t2-t1))x100
SGRW = ((LnW2-LnW1)/(t2-t1))x100
Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối AGRW (g/ngày) về khối lượng
AGRW (g/ngày) = (W2-W1)/(t2-t1)
Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối AGRL (cm/ngày) về chiều dài
AGRL (cm/ngày) = (L2-L1) (t2-t1)
Hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR) =
(Khối lượng thức ăn cá sử dụng)/(Khối lượng cá gia tăng)
Số liệu được xử lý bằng phần mềm Excel và SPSS 20 for Window. Các số liệu trình bày trong bài được ghi dưới dạng giá trị trung bình ± độ lệch chuẩn.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Biến động điều kiện môi trường nuôi
Biến động điều kiện môi trường nuôi cá nhụ được thể hiện qua bảng 2.
Trong thời gian thí nghiệm (6 – 12/2015), một số yếu tố môi trường có sự biến động rõ rệt đặc biệt về nhiệt độ và độ mặn. Trong thời gian thí nghiệm, có nhiều thời điểm nhiệt độ môi trường thấp vào thời điểm mùa đông. Tuy nhiên, các theo dõi cho thấy biến động môi trường như trên vẫn nằm trong khoảng thích nghi của các nhụ.
3.2. Tỷ lệ sống cá nhụ ở các nghiệm thức
Kết thúc thí nghiệm tỷ lệ sống trung bình của cá nhụ ở các nghiệm thức thức ăn đều đạt trên 70% (bảng 3). Kết quả này cho thấy các thức ăn này có thể sử dụng cho nuôi cá nhụ. Tuy nhiên kết quả phân tích cho thấy cá nhụ đạt tỷ lệ sống khác nhau ở các các nghiệm thức thức ăn khác nhau (p < 0,05). Trong đó, tỷ lệ sống của cá nhụ tốt nhất ở nghiệm thức sử dụng thức ăn là cá tạp và thấp nhất ở nghiệm thức sử dụng thức ăn UP.
Theo kết quả một số nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ sống cá nhụ đạt 70 – 80% sau 5 – 6 tháng nuôi (Abu Hena và ctv; 2011) cũng có kết quả nghiên cứu cho thấy sau 10 tháng nuôi cá đạt tỷ lệ sống 80% (Sih Yang Sim; 2006). Những kết quả trên cho thấy, tỷ lệ sống của cá nhụ có sự dao động đáng kể tùy thuộc vào từng điều kiện nuôi khác nhau. Tỷ lệ sống của cá nhụ thu được ở các nghiệm thức thức ăn khác nhau không có sự khác biệt đáng kể với các nghiên cứu trên. Kết quả này cho thấy những thức ăn sử dụng trong thí nghiệm đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng nhất định (dạng sản phảm có chất lượng tương đương ở các nước khác) cho nuôi thương phẩm cá nhụ.
3.3. Tăng trưởng cá nhụ ở các nghiệm thức
Tăng trưởng chiều dài
Tăng trưởng chiều dài cá nhụ được cho ở bảng 4.
Bắt đầu thí nghiệm với cá có chiều dài thân 10,8 cm, sau 7 tháng thí nghiệm chiều dài cá thu được ở các nghiệm thức thức ăn khác nhau có sự khác nhau (p < 0,05). Kết quả thu được cá có tốc độ tăng trưởng chiều dài tốt nhất ở nghiệm thức sử dụng thức ăn là cá tạp (26,9 cm) tiếp đó là thức ăn Ewos (26,63 cm), Skretting (25,77 cm) và thấp nhất là nghiệm thức sử dụng thức ăn UP (25,27 cm).
Tăng trưởng khối lượng
Tăng trưởng khối lượng cá nhụ được thể hiện ở bảng 5. Sau 7 tháng thí nghiệm, từ khối lượng cá thả ban đầu là 16,5 g cá đạt khối lượng tốt nhất ở nghiệm thức sử dụng thức ăn là cá tạp (507,33 g), sau đó là Ewos (494 g), Skretting (472,33 g) và thấp nhất là nghiệm thức sử dụng thức ăn UP (443,33 g).
Qua bảng 4 và bảng 5 ta thấy tăng trưởng cá nhụ có sự khác nhau giữa các nghiệm thức thức ăn khác nhau. Ở nghiệm thức sử dụng thức ăn là cá tạp cá nhụ có đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất cả về chiều dài và khối lượng. Tốc độ tăng trưởng của cá thu được thấp hơn ở nghiệm thức sử dụng thức ăn Ewos, Skretting và thấp nhất ở nghiệm thức sử dụng thức ăn UP.
Một số kết quả nuôi thương phẩm cá nhụ cho thấy tại Đài Loan, sau một năm nuôi lồng cá đạt khối lượng 0,8 – 1,2 kg (Nai – Heng Yu, 2010). Tuy nhiên, kết quả nuôi lớn cá nhụ thu được trong các nghiên cứu thu được đều thấp hơn so với một số đối tượng cá biển nuôi hiện nay (cá giò, cá hồng mỹ, cá song chấm nâu). Do cá nhụ là một đối tượng mới nên hầu hết các kết quả nghiên cứu còn có sự khác biệt và chưa có một quy trình cụ thể.
Kết quả trên cho thấy những thức ăn cho nuôi cá biển sử dụng trong nghiên cứu chưa thực sự phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của cá nhụ. Cá nuôi bằng thức ăn tổng hợp có tốc độ sinh trưởng chậm hơn so với việc sử dụng cá tạp.
3.4. Hệ số thức ăn
Qua ba lần lặp cho thấy với các nghiệm thức thức ăn sử dụng, cá nhụ có hệ số chuyển đổi thức ăn khá cao. Đối với cá tạp để được 1 kg cá nhụ phải sử dụng 9,55 kg cá tạp. Trong khi, đối với các loại thức ăn công nghiệp FCR thấp nhất khi nuôi bằng thức ăn Ewos (3,07), cao nhất khi nuôi bằng thức ăn UP (3,83) (bảng 6). Tuy nhiên, chỉ số này cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Abu Hena (2011) khi nuôi cá nhụ bằng thức ăn công nghiệp có hệ số FCR = 2,3.
Kết quả trên cũng chỉ ra rằng để nuôi cá nhụ đạt hiệu quả chúng ta phải cần có những đầu tư nghiên cứu để xây dựng một công thức thức ăn tổng hợp phù hợp cho nhu cầu dinh dưỡng của cá nhụ.
4. Kết luận và đề xuất
4.1. Kết luận
Cá nhụ có thể sử dụng các loại thức ăn cá tạp, thức ăn Ewwos, Skretting, và UP cho nuôi lớn. Trong các loại thức ăn sử dụng, sử dụng thức ăn là cá tạp cho cá nhụ nuôi có tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống tốt nhất tiếp theo là Ewos, Skretting và thấp nhất là thức ăn UP. Trong các loại thức ăn tổng hợp sử dụng, thức ăn Ewos cho cá nhụ có tốc độ sinh trưởng cao nhất.
4.2. Đề xuất
Cần nghiên cứu, xây dựng công thức thức ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng cá nhụ.
Thực hiện nuôi so sánh, đánh giá tốc độ sinh trưởng của cá nhụ trong nhiều vùng khí hậu khác nhau của Việt Nam (miền Nam, miền Bắc).
>> Tài liệu tham khảo: 1. Abu Hena M.K et all., 2011. Growth and survival of Indian Salmon Eleutheronema tetradactylum (Shaw, 1804) in brackish water pond. 2. Motomura. H. , 2004. Threadfin of the world 3. Sih Yang Sim 2006. Marine finfish market information and aquaculture development trends in selected locations in Indonesia and Malaysia. In Aquaculture Asia Volume X No. 4 2006. pp. 19 – 22 |