Anh: Phát triển giống cá rô phi kháng virus TiLV

Chưa có đánh giá về bài viết

Các gia đình cá rô phi nhất định đã được chứng minh có khả năng kháng virus gây bệnh tilapia lake virus (TiLV), mở ra hy vọng chương trình nhân giống có thể đánh bại một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất với ngành cá rô phi toàn cầu trong những năm gần đây.

Trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Aquaculture, các chuyên gia Viện Nghiên cứu Roslin, thuộc Đại học Edinburgh và tổ chức WorldFish đã phân tích gen di truyền của 1.821 con cá rô phi dòng cải tiến gen (GIFT). Toàn bộ số cá này được đánh dấu và thả vào ao có virus gây bệnh TiLV.                                                                                 

Cá thử nghiệm là thành viên của 124 gia đình cá rô phi. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện một vài nhóm gia đình không có cá rô phi chết, trong khi các gia đình khác lại có tỷ lệ chết lên tới 100%.

Sau đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp phân tích để chứng tỏ đề kháng của cá trước virus gây bệnh là yếu tố di truyền, đồng nghĩa chọn lọc nhân tạo để sản xuất các chủng cá rô phi kháng bệnh là một hướng đi hiệu quả.

Sự thay đổi trong đề kháng TiLV hoàn toàn độc lập với sự thay đổi gen di truyền của tính trạng tăng trưởng. Điều này có nghĩa bất kỳ chương trình nhân giống tương lai cho dòng GIFT để sản xuất cá kháng virus TiLV sẽ không ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng của cá và vẫn mang lại lợi nhuận năng suất cao cho người nuôi. Dòng cá GIFT được chọn lọc nhân tạo để có tốc độ tăng trưởng nhanh và thích nghi với nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Chủng cá này được sản xuất ở ít nhất 14 quốc gia.

Giáo sư Ross Houston, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Roslin cho biết, virus TiLV là nỗi ám ảnh của người nuôi cá rô phi trên toàn cầu. Dịch bệnh này đã tác động đến sinh kế và an ninh lương thực của hàng triệu người. Nghiên cứu này là kết quả của sự hợp tác lâu dài giữa Roslin và WorldFish, và bước đầu tiên là nhân giống các chủng cá rô phi cải tiến sức đề kháng trước virus.

Tiến sĩ Michael Phillips, quản lý NTTS khoa học tại WorldFish và Chương trình nghiên cứu CGIAR tại hệ thống Fish AGri-Food cho biết: Đây là một phát hiện thực sự ý nghĩa trong lĩnh vực di truyền gen thủy hải sản. WorldFish sẽ chung tay với đối tác khác, các nhà tài trợ và đầu tư để thúc đẩy sự phát triển của dòng cá rô phi kháng virus TiLV, mang lại lợi ích cho cộng đồng người nuôi cá quy mô nhỏ trên toàn thế giới.

Ngành cá rô phi mang lại doanh thu 10 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. TiLV xuất hiện lần dầu tiên vào năm 2014, gây tổn thất nghiêm trọng tới ngành cá rô phi vì có thể gây ra tỷ lệ chết lên tới 90% tại 16 quốc gia trên toàn thế giới. Hiện chưa có phương pháp điều trị cũng như vaccine cho TiLV.

Tuấn Minh

Intrafish

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!