T4, 25/12/2024 04:03

Áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo: Tương lai ngành thức ăn chăn nuôi, thủy sản và dinh dưỡng động vật

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 17/12/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Công ty Bentoli và Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Tân Hóa (Innochems) đã phối hợp tổ chức Hội thảo Kỹ thuật và gặp gỡ đối tác năm 2024. Sự kiện nhằm trao đổi về các định hướng mới trong việc thúc đẩy sự phát triển ngành chăn nuôi, thủy sản. Hội thảo có sự góp mặt của đại diện hai công ty cùng đông đảo doanh nghiệp trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Toàn cảnh hội thảo

Dự báo đến năm 2030: Sự chuyển đổi toàn diện của ngành thức ăn chăn nuôi, thủy sản

Ông Sushanta Saha, Giám Đốc Sales Châu Á của công ty Bentoli phát biểu khai mạc hội thảo: “Năm 2024, ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi thủy sản đối mặt với những bước ngoặt lớn. Dân số toàn cầu gia tăng, quá trình đô thị hóa mở rộng và sự thay đổi khẩu vị của người tiêu dùng đã khiến nhu cầu về các sản phẩm từ động vật như thịt, sữa và trứng tăng cao.  

Để đáp ứng thực tế này, công thức thức ăn chăn nuôi liên tục được cải tiến, tập trung vào hai yếu tố then chốt: độ chính xác và tính bền vững. Các công nghệ tiên tiến như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn đang tạo nên cuộc cách mạng trong sản xuất, giúp tối ưu hóa công thức, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu lãng phí.  

Song song đó, các nguồn protein thay thế như tảo, côn trùng và protein thực vật ngày càng được ứng dụng, góp phần giải quyết những thách thức về môi trường trong bối cảnh nhận thức về tác động của ngành chăn nuôi đến hệ sinh thái đang gia tăng mạnh mẽ.  

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng cũng mang đến không ít thách thức. Áp lực đảm bảo an ninh lương thực, giảm thiểu tác động sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, sự khan hiếm tài nguyên và chi phí sản xuất ngày một leo thang đang đặt ra nhiều bài toán khó cho ngành thức ăn chăn nuôi toàn cầu”.

Ông Sushanta Saha, Giám Đốc Sales Châu Á của công ty Bentoli phát biểu khai mạc hội thảo

Vai trò của công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) với ngành chăn nuôi, thủy sản

Phát biểu tại hội thảo, ông Edward Robinson, Chủ tịch công ty Bentoli, cho biết ngành dinh dưỡng thức ăn chăn nuôi đã có sự phát triển mạnh mẽ từ khi con người bắt đầu chăn nuôi và cung cấp thức ăn cho vật nuôi. Qua thời gian, người chăn nuôi đã không ngừng cải tiến công nghệ và chú trọng vào dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu của các mô hình chăn nuôi quy mô lớn. Đặc biệt, nhờ vào sự tiến bộ trong khoa học kỹ thuật, nhiều sản phẩm mới đã được phát triển, như khẩu phần phối hợp với các phụ gia bổ sung để cải thiện năng suất chăn nuôi, và các nguyên liệu cải tiến cung cấp protein cho vật nuôi. Những cải tiến này đã giúp nâng cao năng suất các sản phẩm như thịt, trứng và sữa. Theo ông Edward, hướng tới năm 2030, ngành công nghiệp này dự kiến sẽ có những thay đổi đột phá hơn nữa, với những nội dung sau:

Dinh dưỡng chính xác: Việc cung cấp dinh dưỡng phù hợp với từng cá thể động vật dự kiến sẽ trở thành tiêu chuẩn trong tương lai. Thông qua dữ liệu thu thập từ cảm biến và thiết bị đeo, người nông dân có thể giám sát và phân tích sức khỏe, hành vi cũng như nhu cầu dinh dưỡng của động vật theo thời gian thực. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc dự đoán nhu cầu, tối ưu hóa công thức thức ăn và giảm thiểu lãng phí hiệu quả.

Tính bền vững: Protein thay thế như côn trùng, rong biển và protein nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ trở nên phổ biến, giảm sự phụ thuộc vào ngũ cốc và nguyên liệu truyền thống. Điều này không chỉ giúp giảm dấu chân sinh thái mà còn tạo ra cách sản xuất protein hiệu quả hơn, giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên như nước và đất.

Kinh tế tuần hoàn: Các phụ phẩm từ chế biến thực phẩm, nông nghiệp và môi trường đô thị sẽ được chuyển hóa thành thức ăn chăn nuôi giá trị cao, giảm lãng phí thực phẩm và tiêu thụ tài nguyên.

Nông nghiệp tái tạo: Chú trọng đến sức khỏe đất, đa dạng sinh học và phục hồi hệ sinh thái sẽ giúp ngành đóng góp vào việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời chống lại tác động của biến đổi khí hậu.

Phúc lợi động vật và minh bạch: Người tiêu dùng sẽ ngày càng yêu cầu các sản phẩm minh bạch hơn, thúc đẩy cải thiện phúc lợi động vật và giảm sử dụng kháng sinh hay hormone tăng trưởng.

Hợp tác về chính sách phát triển toàn cầu: Để đối mặt với thách thức, sự hợp tác giữa chính phủ, lãnh đạo ngành và người tiêu dùng sẽ là chìa khóa để thúc đẩy các chính sách và đổi mới bền vững.

Ông Edward Robinson – Chủ tịch công ty Bentoli chia sẻ tại hội thảo

Những chiến lược mới cho ngành thức ăn chăn nuôi, thủy sản 

Chia sẻ về đảm bảo vệ sinh trong chế biến thức ăn để cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn và chất dinh dưỡng, TS. Wilmar Pacheco, Phó Giáo sư, Đại học Auburn, Hoa Kỳ nhấn mạnh về việc sản xuất thức ăn dạng viên nén. Trong đó đề cập tới những vi cấu trúc của nó ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng viên cũng như thành phần dinh dưỡng. Theo TS. Wilmar Pacheco, khi nói tới thức ăn dạng viên chúng ta thường nói nhiều đến thành phần cụ thể như đậu, nành, bắp mà quên mất thiết bị nghiền.

TS. Wilmar Pacheco chia sẻ rõ thiết bị nghiền có 2 loại phổ biến là dạng búa và dạng lăn, trong đó dạng búa được sử dụng phổ biến hơn. Khi xay thành hạt nhỏ có những lợi ích khác như sau: Giúp cho việc trộn dễ dàng, nghiền nhỏ tăng diện tích tiếp xúc enzyme tiêu hóa trên động vật. Kích thước của hạt cũng phải phù hợp với từng loại vật nuôi như gia cầm, gia súc hay thủy sản. Khi sản xuất cám thương mại cho thị trường chúng ta thường quan tâm tới cấu trúc bên ngoài của viên cám. Tuy nhiên, nếu chúng ta sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng trong hệ thống trang trại lớn nhà sản xuất cần không chỉ quan tâm tới đại cấu trúc của hạt, mà còn cần quan tâm tới vi hạt tức những hạt nhỏ nằm bên trong hạt viên này.

TS. Wilmar Pacheco cũng nhấn mạnh thêm: “Cần sản xuất ra thức ăn có độ an toàn cao về tiêu chuẩn vệ sinh, đặc biệt là kiểm soát tốt những mầm bệnh. Do đó các công ty cần quan tâm tới những công đoạn chẳng hạn như khâu tiếp nhận nguyên liệu. Các công đoạn này đều liên quan tới đảm bảo an toàn vệ sinh và cần được quản lý tốt. Đây là một tiến trình rất quan trọng”.

Phó giáo sư, TS. Wilmar Pacheco, Đại học Auburn Mỹ

Cũng trong khuôn khổ của hội thảo, TS. Victor Suresh, Giám đốc kỹ thuật toàn cầu của công ty Bentoli, đã chia sẻ về tác động trực tiếp và gián tiếp của chất kết dính viên đối với chất lượng thức ăn và dinh dưỡng cho vật nuôi. Theo TS. Victor Suresh: “Việc sử dụng chất kết dính giúp tối ưu hóa hiệu quả ngay tại nhà máy thức ăn, đồng thời tiết kiệm chi phí trong công thức và cải thiện dinh dưỡng cho động vật. Đặc biệt, chất lượng viên thức ăn tốt không chỉ giúp nhà sản xuất đạt được lợi nhuận kinh doanh mà còn góp phần nâng cao thương hiệu nhờ vào việc sản xuất thức ăn chất lượng cao”.

TS. Victor Suresh, Giám đốc kỹ thuật toàn cầu công ty Bentoli

PGS.TS Yuwares Ruangpanit từ Đại học Kasetsart, Thái Lan, đã chia sẻ về việc cân bằng năng lượng giữa nguồn nguyên liệu truyền thống và các thành phần có thể thay thế trong chế độ ăn của gia cầm và lợn, đặc biệt trong bối cảnh chi phí nguyên liệu giàu năng lượng ngày càng tăng.

Theo TS. Yuwares Ruangpanit: “Khi sử dụng các thành phần dinh dưỡng truyền thống hoặc thay thế, các nhà sản xuất cần đưa ra quyết định chính xác. Điều quan trọng là phải đánh giá tác động của việc thay thế đến công thức và quá trình sản xuất. Ngoài ra, cần xem xét liệu vật nuôi có chấp nhận thành phần thay thế hay không và liệu chúng có đạt năng suất như mong đợi. Nếu thức ăn có thành phần dinh dưỡng tốt hoặc được sản xuất hiệu quả, nhưng vật nuôi không ăn hoặc năng suất không đạt yêu cầu, thì đó là yếu tố cần cân nhắc kỹ lưỡng”.

PGS. TS. Yuwares Ruangpanit, Đại học Kasetsart Thái Lan

Một số hình ảnh tại sự kiện: 

Các diễn giả trả lời câu hỏi sau hội thảo

Công ty Bentoli tặng quà lưu niệm cho các diễn giả

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!