Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đang xem xét áp giá sàn với cá tra xuất khẩu. PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP cho biết, giá sàn xuất khẩu sẽ có hiệu lực, nếu Nhà nước ra tay can thiệp.
Thưa ông, tại sao VASEP lại đặt vấn đề áp dụng giá sàn xuất khẩu cá tra trong bối cảnh hiện nay?
Vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra phán quyết cuối cùng về đợt xem xét hành chính lần thứ 8 với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Theo đó, thuế suất đánh vào mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ tăng rất mạnh. Đây là phán quyết vô lý của Mỹ và các DN Việt Nam đang tiến hành các thủ tục để kiện ra Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây cũng là cơ hội để cá tra xuất khẩu sang Mỹ nâng giá bán. Nếu các DN đồng thuận nâng giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ, thì các DN bị áp mức thuế cao sẽ không bị thiệt hại, trong khi những DN không bị đánh thuế lại hưởng lợi lớn. Lấy ví dụ, giá cá tra xuất khẩu hiện nay là 4 USD/kg. Trong đợt xem xét hành chính vừa qua, mức thuế bán phá giá mà đa phần DN phải gánh chịu khi xuất khẩu sang Mỹ là 0,77 USD/kg. Như vậy, nếu cộng mức thuế này vào giá xuất khẩu và các DN đồng thuận mức giá sàn xuất khẩu là 4,77 USD/kg, thì các DN bị áp thuế 0,77 USD/kg sẽ không bị ảnh hưởng, trong khi những DN không bị đánh thuế thì lợi.
VASEP đã từng đưa ra giá sàn xuất khẩu cá tra, song không hiệu quả vì các DN đua nhau hạ giá để tranh giành hợp đồng. Liệu lần áp dụng giá sàn này có hiệu quả, thưa ông?
Cạnh tranh là quy luật tất yếu của thị trường, nhưng hiện nay, các DN thủy sản nói chung, DN xuất khẩu cá tra nói riêng, đang cạnh tranh chủ yếu về giá. Để giảm bớt những hậu quả của việc cạnh tranh về giá gây ra, VASEP hướng DN cạnh tranh về chất lượng, thay vì cạnh tranh về giá, mà áp giá sàn xuất khẩu là một trong những giải pháp.
Trước đây, VASEP đã nhiều lần đưa ra giá sàn với sự đồng thuận của DN, nhưng không thực hiện được là vì thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước trong thực thi sự đồng thuận, cũng như thiếu chế tài xử lý. Nếu chỉ VASEP vào cuộc, thì sẽ không thể thực thi được giá sàn, vì VASEP không có quyền cấm DN xuất khẩu.
Tuy nhiên, nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn phối hợp với hải quan, yêu cầu không thông quan những đơn hàng xuất khẩu cá tra dưới giá sàn, thì chắc chắn giá sàn xuất khẩu sẽ có hiệu lực.
Việc cơ quan quản lý đứng ra cấm xuất khẩu các lô hàng dưới giá sàn có vi phạm các quy định về luật pháp trong nước, cũng như các cam kết quốc tế không, thưa ông?
Đây chính là vấn đề khiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lo ngại khi VASEP đề xuất Bộ phải đứng ra can thiệp giá sàn. Tuy nhiên, tôi khẳng định, việc Nhà nước hỗ trợ DN thực thi giá sàn xuất khẩu không hề vi phạm quy định trong nước cũng như thực hiện các cam kết quốc tế. Đây không phải Nhà nước đứng ra ấn định giá, mà là DN đồng thuận giá sàn và yêu cầu Nhà nước có biện pháp giám sát, giúp đỡ DN thực hiện sự đồng thuận đó.
Theo quy định, nếu Nhà nước hỗ trợ DN đẩy giá xuất khẩu xuống thấp, thì mới bị kiện về thuế chống trợ cấp, còn nếu hỗ trợ DN đẩy giá hàng xuất khẩu lên thì không hề vi phạm.
Tôi rất mừng là trong một cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, nếu VASEP có văn bản kiến nghị về vấn đề này, thì Bộ sẽ có giải pháp hỗ trợ. Tôi khẳng định, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa cộng đồng DN và cơ quan nhà nước, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính, thì việc áp giá sàn mới hiệu quả.
Xuất khẩu cá tra liên tục sụt giảm trong quý I/2013, riêng tháng 3 vừa qua sụt giảm tới 13%. VASEP sẽ có những giải pháp gì để đảm bảo giá trị xuất khẩu cá tra năm 2013?
Việc cá tra bị áp thuế chống bán phá giá cao ở Mỹ buộc các DN mở rộng thị trường và nâng giá xuất khẩu cao hơn. Có nghĩa là, cùng một lượng hàng xuất khẩu, song giá trị xuất khẩu được nâng lên. Đây cũng là định hướng của xuất khẩu thủy sản: nâng giá xuất khẩu, không chú trọng nâng sản lượng. Riêng với cá tra, chúng ta thấy, năm 2012, tỷ lệ giá trị gia tăng của cá tra chỉ là 0,68%. Điều này cho thấy, tiềm năng gia tăng giá trị sản phẩm cá tra còn rất lớn. Chỉ cần chuyển 20 – 30% lượng cá tra xuất khẩu thô sang sản phẩm giá trị gia tăng, thì giá trị xuất khẩu cá tra sẽ tăng lên rất nhiều.