ASC đưa ra lộ trình đóng góp vào SDGs

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mới đây, Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC) đã xuất bản một báo cáo về cách thức NTTS có trách nhiệm có thể đóng góp công sức vào 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.

Báo cáo SDG 2022 của ASC bao gồm phương pháp định lượng cách đóng góp có thể kiểm chứng đối với SDGs. 17 SDGs và 169 mục tiêu liên quan là trọng tâm của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, được tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào năm 2015, mục tiêu năm 2030. Những mục tiêu này được đưa ra nhằm khuyến khích toàn cầu, quốc gia và địa phương tìm cách giảm thiểu biến đổi khí hậu và nghèo đói, giảm bất bình đẳng, cải thiện giáo dục và y tế, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và nỗ lực bảo tồn đại dương và rừng của chúng ta.

Chiến lược giải quyết SDGs

Kết quả nghiên cứu trên toàn cầu cho thấy, ASC có thể giải quyết tất cả 17 SDGs và hơn 80% trong số này được coi là giải quyết tốt hoặc rất tốt. Chỉ 49% các mục tiêu SDGs được áp dụng cụ thể cho NTTS toàn cầu nhưng ASC đã cho thấy khả năng giải quyết tất cả thông qua chương trình của tổ chức. Cụ thể, ASC giải quyết các mục tiêu về: Xóa đói (2); Nước sạch và vệ sinh môi trường (6); Sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm (12); Tài nguyên và môi trường biển (14); Tài nguyên và môi trường trên đất liền (15); Hòa bình, công lý và thể chế mạnh mẽ (16) và Quan hệ đối tác vì mục tiêu (17). ASC cũng nhận thấy rằng tổ chức này có sự liên kết chặt chẽ với SDGs về các Mục tiêu: Xóa nghèo (1), Việc làm bền vững và tăng trưởng kinh tế (8), Giảm bất bình đẳng (10) và Hành động vì khí hậu (13).

17 SDGs và các mục tiêu cụ thể mà ASC có thể giải quyết trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Nguồn: ASC

“Cải thiện NTTS là cốt lõi trong sứ mệnh của ASC và chúng tôi tin rằng điều này sẽ đóng vai trò chính trong việc cung cấp thực phẩm và lợi ích xã hội cho nhân loại, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường biển và đất liền. Vai trò của NTTS nói chung đối với các SDGs và các đóng góp này đối với các lợi ích xã hội, môi trường và xã hội được cải thiện một cách rõ ràng là điều cần thiết. Quan trọng hơn, chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng sự hỗ trợ giữa những người ra quyết định toàn cầu về đóng góp quan trọng mà NTTS có trách nhiệm mang lại để đạt được tham vọng chung nhằm đáp ứng các SDGs”, Giám đốc điều hành ASC Chris Ninnes cho biết.

Báo cáo năm 2022 phác thảo, định lượng và tô màu bản đồ cách thức mỗi SDG và mục tiêu được ASC giải quyết, đồng thời thảo luận về những lĩnh vực mà tổ chức liên kết tốt và những lĩnh vực cần cải thiện. Ngoài việc đánh giá mức độ phù hợp của chứng nhận ASC, tổ chức này cũng xem xét các hành động mở rộng, xuất phát từ tác động của chương trình ASC đối với cộng đồng địa phương, hoặc thông qua sự vận động của tổ chức ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu cũng như trong bối cảnh quản trị quốc tế và thị trường.

Chất lượng dữ liệu

Theo Liên Hợp Quốc, tiến độ toàn cầu hướng tới việc thực hiện SDGs đã giảm sút trong những năm qua do các yếu tố như đại dịch COVID-19, xung đột giữa Nga – Ukraine… Do đó, việc giám sát và đặt câu hỏi nghiêm ngặt về chất lượng dữ liệu bền vững đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Trang trại nuôi tôm đạt chứng nhận ASC tại Việt Nam. Ảnh: Jonas Gratzer

Ngoài việc nêu bật tiềm năng của NTTS để đạt được các SDGs, ASC nhận thấy rằng nhìn chung vẫn còn thiếu dữ liệu về hiệu suất có thể kiểm chứng được trong ngành NTTS. ASC tin rằng các bên liên quan chính, chính phủ, tổ chức tài chính và nhà đầu tư sẽ ngày càng yêu cầu hiệu suất của SDGs phải được bên thứ ba kiểm toán và minh bạch, để đảm bảo dữ liệu chất lượng cao. ASC cũng tin rằng chứng nhận NTTS yêu cầu tiết lộ dữ liệu minh bạch có thể giúp đưa ra các tuyên bố SDGs đáng tin cậy, đồng thời giúp giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng.

Lộ trình hướng tới tương lai

Ông Bertrand Charron, Giám đốc thị trường của ASC, cho biết: “Chúng tôi coi báo cáo là một lộ trình chi tiết hành trình của ASC hướng tới NTTS bền vững với môi trường và có trách nhiệm với xã hội và mục tiêu của chúng tôi là công bố báo cáo này hàng năm để theo dõi tiến trình của chính tổ chức đối với các mục tiêu tới năm 2030. Các SDGs nêu bật một số thách thức lớn nhất về tính bền vững mà chúng ta phải đối mặt, những thách thức chung đối với nhiều ngành và khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, những gì hiện đang thiếu là dữ liệu SDGs được cập nhật và chất lượng. Chúng tôi tin rằng tính minh bạch và công khai kịp thời về hiệu suất của hoạt động NTTS sẽ là chìa khóa để đảm bảo rằng ngành này đang giải quyết và đáp ứng các SDGs”.

Sau khi mở đường và thiết lập tiêu chuẩn, ASC hy vọng rằng các tập đoàn và tổ chức sẽ bắt đầu lập bản đồ và định lượng một cách khách quan tiến trình đã được chứng minh để đáp ứng các SDGs và giúp bổ sung dữ liệu cho lĩnh vực NTTS.

Thảo Giang

Theo TFS, ASC

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!