(TSVN) – Việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp trong đó có ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời gian qua rất hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế tỉnh. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định, phát triển nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao là một trong bốn trụ cột kinh tế của địa phương. Nhằm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam do Chính phủ ban hành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã kịp thời ban hành Kế hoạch hành động phát triển thủy sản tỉnh đến năm 2030, với mục tiêu phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu…
Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ triển khai thực hiện cơ cấu khai thác hải sản vùng lộng và vùng ven bờ, gắn với nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái để phát huy hết tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững ngành thủy sản. Trong đó, chú trọng chuyển đổi các nghề khai thác có tính xâm hại đến nguồn lợi thủy sản; tập trung thực hiện hiệu quả công tác chống khai thác IUU; đồng thời khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến thủy sản đầu tư đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản. Hiện tại, Bà Rịa – Vũng Tàu có 7 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy sản, 334 tổ hợp tác đoàn kết đánh bắt trên biển. Sản lượng đánh bắt bình quân khoảng 300.000 tấn/năm.
6 tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh ước đạt 170.634 tấn. Hiện tổng số tàu cá thuộc diện đăng ký quản lý của tỉnh là 4.664 tàu cá, trong đó tàu cá khai thác vùng khơi có 2.768 chiếc, chiếm 59%. Phần lớn các tàu cá được trang bị đồng bộ máy móc tiên tiến, hiện đại như máy tầm ngư, máy định vị, máy đo độ sâu, vô tuyến điện tầm xa… Loại hình khai thác bao gồm: Nghề câu khơi, rê, vây, rập và các nghề khai thác hải sản khác có chọn lọc. Tỉnh khuyến khích chuyển đổi tàu cá làm nghề lưới kéo khai thác không có hiệu quả sang các loại nghề câu, lưới rê, lồng bẫy.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 phê duyệt “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 1073/QĐ-UBND ngày 30/3/2022 phê duyệt “Kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh”. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 diện tích mặt nước nuôi biển trên địa bàn tỉnh khoảng 150 ha, đến năm 2030 diện tích khoảng 200 ha. Dự kiến tập trung phát triển nuôi tại huyện Côn Đảo, các vùng biển thuộc các huyện và thành phố ven biển (Vũng Tàu, Xuyên Mộc, Đất Đỏ…).
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh, diện tích NTTS trên địa bàn toàn tỉnh trong tháng 6/2023 là 5.681,2 ha; trong đó: nuôi quảng canh 567,7 ha, nuôi quảng canh cải tiến 4.672,6 ha, nuôi bán thâm canh 122 ha, nuôi thâm canh 319 ha. Sản lượng NTTS trong tháng 6/2023 đạt 1.720 tấn, tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng tăng cao nhất là TTCT (lũy kế 10.671 tấn, tăng 8,9%, đạt 47,9% kế hoạch). Tỉnh cũng đang đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản theo công nghệ cao với sản lượng hơn 20.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 54 nhà máy chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn ISO, HACCP, Halal… với tổng công suất chế biến trung bình khoảng 250.000 tấn thành phẩm/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 261 triệu USD tại các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.
Ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm đã mang lại hiệu quả và giá trị lợi nhuận cao cho người dân Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Đinh Hùng
Đại diện Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, thời gian qua Sở đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản xây dựng hệ thống xử lý nước thải để sản xuất sạch hơn, hoặc áp dụng các hệ thống quản lý vào sản xuất, ứng dụng các đề tài, nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm vào doanh nghiệp. 300 dự án khởi nghiệp sáng tạo đã được tỉnh hỗ trợ, với sự tham gia của khoảng 100 doanh nghiệp và 5 tổ chức khởi nghiệp.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh đang áp dụng nhiều công nghệ NTTS như: nuôi tôm sinh học siêu thâm canh; tuần hoàn nước; sử dụng hệ thống máy lọc nước hiện đại; ứng dụng kỹ thuật kiểm soát, quản lý nuôi của Israel; quy trình 3 sạch; công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ 250 – 500 con/m2, 3 – 5 vụ/năm, năng suất 20 – 30 tấn/ha.
Farm Liên Giang (ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền) là một trong những mô hình điểm của địa phương về ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng tôm. Liên Giang Farm hiện có 15 ao nuôi tôm công nghệ cao với sản lượng thu hoạch 200 tấn/năm. Đây là mô hình được ngành thủy sản tỉnh đánh giá cao khi mang lại hiệu quả kinh tế vượt mong đợi. Nhờ quy trình nuôi nghiêm ngặt, sản lượng đạt cao cùng với giá thành tốt (khoảng 200.000 – 220.000 đồng/kg, tôm kích cỡ 30 con/kg), sau khi trừ chi phí (khoảng 90.000 – 100.000 đồng/kg), lợi nhuận thu được của Liên Giang Farm vào khoảng trên dưới 20 tỷ đồng/năm. Nuôi tôm theo công nghệ cao giúp tăng sản lượng gấp 4 lần so với nuôi tôm truyền thống và bảo vệ được môi trường do kiểm soát được các chỉ tiêu về giống, thức ăn, nguồn nước.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã đạt được hiệu quả kinh tế cao nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cao; có thể kể đến như mô hình của Công ty TNHH NTTS Minh Phú ở xã Lộc An, huyện Đất Đỏ. Đây là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ cao 400 – 500 con/m2, quy mô 600 ao nuôi, với diện tích gần 52 ha mặt nước nuôi. Thiết kế ao tròn nổi và ao đất lót bạt xung quanh, nuôi trong nhà lưới, nước tuần hoàn khép kín. Công ty đã được cấp Chứng nhận BAP và ASC. Năm 2022, Công ty đạt doanh thu thuần 8.925 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 50% so năm trước.
>> Từ năm 2020 đến nay, với mục tiêu tìm kiếm, phát triển các giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo hướng tới nâng cao giá trị, giải quyết các vấn đề của ngành thuỷ sản; Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp Cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh và các tổ chức liên quan triển khai Cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu. Cuộc thi đã thu hút sự tham của các cá nhân, tổ chức, các trường, viện, và doanh nghiệp khắp cả nước, với nhiều dự án khả thi được gửi về. Tiếp nối thành công từ những năm trước, năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức Cuộc thi.
Hải Lý