THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

T2, 06/07/2020 01:49

Bà Rịa – Vũng Tàu: Giá tôm tăng vọt, nhiều ngư dân trúng lớn

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau một thời gian dài rớt giá, hiện giá tôm thẻ đã tăng mạnh. Đồng thời, giá tôm sú cũng đang ở mức cao. Cùng với đó, nhiều DN, nông dân trên địa bàn tỉnh đã áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, nhờ vậy sản phẩm tôm của BR-VT được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Công nhân HTX Nông nghiệp Quyết Thắng kiểm tra sự phát triển của tôm trong ao nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Công nhân HTX Nông nghiệp Quyết Thắng kiểm tra sự phát triển của tôm trong ao nuôi ứng dụng công nghệ cao

Ông Huỳnh Thành Tài (nhà ở phường 12, TP.Vũng Tàu) đang nuôi 2 ha tôm thẻ chân trắng. Ông Tài cho biết, trong năm 2018, người nuôi tôm trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do thời tiết, dịch bệnh. Đến đầu năm nay, giá tôm đã nhích lên, loại 40 con/kg được thu mua với giá 115 ngàn đồng/kg. Với giá này, bà con cũng đã có lãi khá. “Khoảng nửa tháng trở lại đây, giá tôm thẻ tiếp tục tăng mạnh. Vừa qua, thương lái thu mua tôm loại 40 con/kg với giá 130 – 135 ngàn đồng/kg, cao nhất trong mấy năm qua. Cùng với đó, năm nay thời tiết thuận lợi, năng suất tôm cao. Các ao tôm được thả nuôi với mật độ 100 con/m2, tôi thu được trên 20 tấn/ha. Nhờ đó, mỗi ha tôm tôi thu lãi hơn 1 tỷ đồng”, ông Tài thông tin thêm.

Ông Lê Trọng Nghĩa, ấp An Hải, xã Lộc An thu hoạch tôm. Ảnh: QUANG VINH

Ông Lê Trọng Nghĩa, ấp An Hải, xã Lộc An thu hoạch tôm – Ảnh: Quang Vinh

Theo ông Phạm Duy Ân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tại địa phương hiện có gần 50 hộ nuôi tôm với tổng diện tích khoảng 220ha. Vụ tôm vừa qua, tỷ lệ các ao nuôi bị dịch bệnh tấn công giảm, nên năng suất cao. Cùng với đó, giá tôm tăng mạnh, giúp người nuôi tôm lãi lớn. Ông Ân cho biết: “Thông tin từ các thương lái thu mua tôm trên địa bàn xã cho biết, nguyên nhân của việc tôm tăng giá mạnh là các DN xuất khẩu tăng thu mua cho các đơn hàng cuối năm. Đồng thời, Ấn Độ, quốc gia có diện tích nuôi tôm lớn năm nay mắc dịch đốm trắng khiến sản lượng, chất lượng tôm giảm. Vì vậy, nhiều nước đã chuyển sang mua tôm từ Việt Nam. Theo dự báo, giá tôm sẽ tiếp tục giữ ổn định ở mức cao trong thời gian tới”.

Bên cạnh đó, để đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, ngoài những DN lớn, ngày càng có nhiều hộ nuôi tôm quy mô vừa và nhỏ áp dụng phương pháp hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thậm chí, nhiều người dân, HTX đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm. Chẳng hạn như đầu năm nay, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (phường Long Hương, TP. Bà Rịa) đã đầu tư 5 tỷ đồng để nuôi tôm bằng công nghệ cao sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn, khép kín trên diện tích khoảng 2.000 m2. Đây là công nghệ lần đầu tiên được áp dụng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, nguồn nước thải ra khi nuôi tôm sẽ được chảy tuần hoàn qua các bể lắng, lọc để xử lý. Sau khi đạt điều kiện, nguồn nước này được đưa trở lại ao nuôi tái sử dụng. Vì chất lượng nguồn nước được kiểm soát nên công nghệ nuôi này có tỷ lệ hao hụt tôm thấp, năng suất cao hơn nuôi thông thường, chất lượng bảo đảm và không gây ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải. Việc nuôi tôm trong nhà màng cũng giảm nguy cơ dịch bệnh do ảnh hưởng từ điều kiện thời tiết bên ngoài. Trong vụ đầu tiên, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng vừa thả nuôi thử nghiệm với mật độ trung bình 400 con/m2, gấp 4 – 5 lần phương pháp bình thường. Đến nay, tôm đang phát triển tốt, năng suất dự kiến đạt 20 tấn/2.000 m2.

Thống kê của Sở NN-PTNT cho thấy, tính đến nay tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh khoảng 3.400 ha, trong đó, trên 600 ha nuôi tôm theo hình thức công nghiệp. Thời gian qua, thời tiết thuận lợi, giá tôm nguyên liệu tăng mạnh đã khiến ngành nuôi tôm trên địa bàn tỉnh khởi sắc. Để việc nuôi trồng đạt hiệu quả bền vững, tỉnh đã thành lập các khu quy hoạch sản xuất nuôi trồng thủy sản tập trung như: Khu nuôi tôm công nghiệp Bàu Sình A, Bàu Sình B (huyện Xuyên Mộc); khu nuôi trồng thủy sản nước mặn theo hướng nuôi công nghiệp tại phường Kim Dinh (TP. Bà Rịa); khu nuôi trồng thủy sản nước mặn tại xã An Ngãi (huyện Long Điền). Đầu tháng 6/2019, UBND tỉnh đã công nhận Vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao Lộc An (tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với 2 cơ sở là Công ty TNHH nuôi trồng Thủy sản Minh Phú – Lộc An và Công ty TNHH Ngọc Tùng (phường 12, TP. Vũng Tàu). Theo đó, tỉnh cũng đang từng bước giảm dần diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh; thực hiện nuôi quảng canh cải tiến, nuôi sinh thái; hướng đến ứng dụng công nghệ cao bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm sử dụng các hóa chất kháng sinh cấm vào quá trình nuôi để đủ các điều kiện xuất khẩu.

Bài, ảnh: Quang Vinh

Theo Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!