Bà Rịa – Vũng Tàu: Không chủ quan trước dịch bệnh trên tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện đang là cao điểm của mùa mưa, cộng với thời tiết có nhiều diễn biến bất thường nên sự biến động môi trường trong các ao nuôi thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng rất lớn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh trên tôm nuôi bùng phát, vì vậy, người nuôi cần tăng cường các biện pháp phòng chống hiệu quả.

Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác giám sát địa bàn, chủ động phòng chống bệnh dịch ngành thủy sản nói chung, trên tôm nuôi nước lợ nói riêng, tình hình dịch bệnh trên tôm có phần lắng dịu. Một vài điểm nuôi tôm xuất hiện bệnh dịch trên diện tích nhỏ đã được Chi cục Thú y và các đơn vị chuyên môn của Sở NN&PTNT kịp thời có biện pháp khống chế hữu hiệu. Trong tháng 8/2015, đơn vị này đã thu 33 mẫu tôm làm xét nghiệm, kết quả xuất hiện 4/33 mẫu tôm thẻ chân trắng bị nhiễm bệnh hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) và virus bệnh gan tụy (HPV); 10/33 mẫu bị nhiễm virus gây bệnh còi trên tôm (MPV) trên 2 cơ sở nuôi với diện tích nhỏ và trên tôm thẻ chân trắng thương phẩm giai đoạn 50 – 75 ngày tuổi tại địa bàn huyện Xuyên Mộc.

 Thu hoạch tôm thẻ chân trắng thương phẩm tại huyện Xuyên Mộc.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng thương phẩm tại huyện Xuyên Mộc.  

Trên cơ sở kết quả xét nghiệm từ mẫu bệnh phẩm, Chi cục Thú y đã cấp 390 kg vôi và 270 kg Chlorin cho 2 hộ dân có ao nuôi tôm bị bệnh để xử lý ổ dịch, hướng dẫn các hộ dân rắc vôi đều khắp các bờ ao có tôm bị bệnh để cách ly, cô lập ao có tôm bị bệnh với ao khác. Đồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng biện pháp hòa tan Chlorin rải đều khắp mặt ao song song với việc chạy quạt nước để đảo đều nước khắp ao nhằm tăng hiệu lực diệt khuẩn của Chlorin. Chi cục Thú y cũng yêu cầu chủ 2 hộ nuôi có tôm bị bệnh phải bảo đảm xử lý xong mới thải nước từ ao nuôi có tôm bị bệnh ra ngoài môi trường. Chi cục Thú y chỉ đạo Phòng Dịch tễ phối hợp với Trạm Thú y Xuyên Mộc tăng cường công tác giám sát phòng chống dịch bệnh, theo dõi sát tình hình, đặc biệt là các hộ có ao nuôi tôm bị bệnh và các hộ nuôi xung quanh nhằm kịp thời phát hiện, báo cáo các cấp lãnh đạo chỉ đạo kịp thời khi dịch bệnh tái xuất hiện.

Theo báo cáo của các địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh BR-VT, 7 tháng đầu năm 2015 có hơn 21.000ha nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại. Nguyên nhân là do người nuôi lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong phòng, chống, trị bệnh cho tôm. Một số vùng nuôi chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng đúng mức, tình trạng nuôi thâm canh đan xen với nuôi quảng canh dẫn đến khó kiểm soát dịch bệnh. Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết, để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, Chi cục Thú y và Chi cục nuôi trồng Thủy sản đã khuyến cáo người dân cần thực hiện đúng theo khung lịch mùa vụ trong nuôi tôm nước lợ, đặc biệt là đối với tôm thẻ chân trắng. Cụ thể các hộ nuôi tôm nên giảm vụ nuôi xuống nhằm kéo dài thời gian cải tạo đáy ao, đồng thời tính toán giảm mật độ nuôi tôm thẻ chân trắng xuống còn từ 40 – 60 con/m2, không sử dụng các loại thuốc, hóa chất cấm để cải tạo đáy, nền ao cũng như trong phòng chống bệnh dịch; nên chọn mua giống từ các cơ sở có uy tín, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý cải tạo môi trường nuôi. Nơi có điều kiện thì nên nuôi luân canh cá – tôm hoặc thả nuôi ghép cá rô phi tại ao lắng nhằm cải tạo và lọc sạch nước, nên kéo dài thời gian phơi đáy và chỉ thả giống khi đã bảo đảm đầy đủ các điều kiện về giống, nước, môi trường nuôi…

>> Mới đây, Bộ NN&PTNT đã có công văn chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố có nuôi tôm nước lợ thực hiện báo cáo công tác thú y thủy sản, thực hiện quan trắc cảnh báo môi trường; giám sát dịch bệnh tại cơ sở sản xuất tôm giống và nuôi tôm xuất khẩu; kiên quyết tiêu hủy lô tôm giống dương tính với bệnh; phải công bố dịch, đình chỉ hoạt động và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với cơ sở sản xuất tôm giống vi phạm nhiều lần. Tại các vùng trọng điểm cần bố trí mỗi huyện có ít nhất 3 nhân viên thú y thủy sản, mỗi xã có 1 nhân viên thú y thủy sản; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại vật tư trong nuôi tôm (con giống, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học…) và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bài, ảnh: Nguyễn Hữu Thi

Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!