Năm 2012 là một năm đầy khó khăn đối với ngành thủy sản. Giá xăng dầu, vật tư, nhân công tăng cao, ô nhiễm môi trường, thiên tai, bão lụt, ngư trường cạn kiệt, cạnh tranh gay gắt… Tuy nhiên, với sự nỗ lực vượt khó của ngư dân và doanh nghiệp, ngành thủy sản của tỉnh đã có bước tăng trưởng khá.
Khó khăn chồng chất
Vừa cập cảng và kết thúc chuyến biển, ngư dân Trần Mai (ấp Phước Thiện, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) chủ tàu cá BV5601 cho biết, trước đây, sau mỗi chuyến biển, ngư dân thường lãi từ 20 – 30%, nên nghề cá cũng giúp họ có của ăn của để. Riêng năm nay, do chi phí giá xăng dầu, bạn ghe tăng cao, ngư trường cạn kiệt trong khi đó giá hải sản lại giảm, nên 6 – 7 chuyến đi biển thì 4 -5 chuyến bị lỗ, còn các chuyến biển có lời cũng chỉ ở mức trên dưới 10%. “Giá mực giảm 6 – 7 ngàn đồng/kg và giá các hải sản khác cũng giảm mạnh so với trước đây, nên thu nhập của ngư dân chúng tôi giảm mạnh, đa phần là lỗ”, anh Trần Mai cho biết.
Cảnh tấp nập tại bến cá Long Hải (huyện Long Điền) trong mùa ngư dân trúng biển – Ảnh: Song An
Ông Trần Vân Hoa, Cán bộ hải sản xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) cho biết, ngư dân năm nay gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu, nhân công tăng ở mức cao và nguồn lợi hải sản suy giảm do ngư trường cạn kiệt. Sản lượng khai thác của ngư dân trên địa bàn xã chỉ đạt gần 79,5 ngàn tấn, giảm 6,5% so với năm 2011, hải sản xuất khẩu cũng chỉ đạt gần 30 ngàn tấn, giảm hơn 9,7%.
Không những ngành khai thác gặp khó khăn, ngành nuôi trồng thủy sản cũng điêu đứng khi chi phí tăng, dịch bệnh nhiều và môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Các loại thủy hải sản như: cá lồng bè, tôm thẻ chân trắng, nghêu đã xảy ra hiện tượng chết hàng loạt. Cụ thể, đầu năm 2012 hơn 170ha tôm thẻ chân trắng (nuôi ở xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) và 1,8ha nghêu thương phẩm (ở xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) đã chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người nuôi trồng hàng tỷ đồng. Từ tháng 6/2012 đến nay, cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn – TP. Vũng Tàu) cũng chết hàng loạt, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng khiến ngư dân lâm vào khó khăn. Anh Lê Văn Cường, (ấp 6, xã Long Sơn) cho biết, gần chục ngàn con cá nuôi lồng bè của gia đình anh đã chết trắng trong năm vừa rồi do ô nhiễm môi trường nước trên sông Chà Và, thiệt hại cả tỷ đồng. “Liên tục thất bại do cá chết, nợ ngân hàng chồng chất, hiện gia đình tôi không còn đủ khả năng chi trả. Nếu tiếp tục như thế này không biết chúng tôi sẽ sống như thế nào đây”, anh Lê Văn Cường xót xa.
Những khó khăn trên cho thấy, ngành thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa thực sự phát triển bền vững. Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm môi trường nước đang diễn biến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Nuôi cá lồng bè tại HTX thủy sản Long Sơn – Ảnh: Lam Phương
Vượt khó
Trước hàng loạt khó khăn, ngư dân vẫn kiên trì bám biển và thay đổi mô hình tổ chức đánh bắt để giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Ngư dân Trần Mai cho biết, để bảo đảm an toàn đánh bắt trên biển và đủ chi phí để ra khơi, những ngư dân như anh ở xã Phước Tỉnh đã tập hợp thành nhóm tổ hợp tác, góp vốn và nhân công để cho các cặp tàu đủ điều kiện ra khơi. Mỗi chuyến biển từ 40 – 45 ngày của cặp tàu trong tổ đánh bắt thu về khoảng 50 tấn hải sản, sau khi trừ chi phí cũng có lời chút đỉnh. “Nếu không đoàn kết tạo thành một nhóm chúng tôi không thể ra khơi vì không đủ chi phí và bạn ghe”, anh Trần Mai nói. “Bám biển khó khăn, chúng tôi rất mong sự hỗ trợ của Nhà nước về bình ổn xăng dầu và mở rộng thị trường xuất khẩu hải sản để tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho ngư dân”, chủ tàu cá BV 4947 (xã Phước Tỉnh) kiến nghị thêm.
Cảnh tấp nập tại bến cá Long Hải (huyện Long Điền) trong mùa ngư dân trúng biển. Ảnh: Song An
Ông Trần Văn Hoa cho biết, nhờ sự hỗ trợ, đoàn kết đánh bắt của các tổ, nhóm trên biển nên nhiều ngư dân ở xã Phước Tỉnh vẫn bám biển được cho đến ngày hôm nay. Được biết, hiện trên địa bàn xã Phước Tỉnh đã có 23 tổ đoàn kết với 108 tàu cá hợp tác, đánh bắt hải sản trên biển. Mô hình đánh bắt theo tổ đội, tàu đoàn này đã góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm những hình thức đánh bắt gây suy kiệt, hủy hoại nguồn lợi thủy sản…
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, tuy là một năm khó khăn nhưng với sự nỗ lực toàn ngành cùng sự hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước nên ngành thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu đã có những chuyển biến tích cực, sản lượng và giá trị sản xuất của ngành đều tăng so với năm 2011. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, tổng sản lượng thủy sản năm 2012 của tỉnh ước đạt hơn 294 ngàn tấn. Trong đó, sản lượng khai thác đạt gần 281 ngàn tấn, vượt 17% so với kế hoạch và tăng nhẹ so với năm 2011. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 13,4 ngàn tấn, tăng 6%. Giá trị sản xuất thủy sản ước đạt hơn 10,6 ngàn tỷ đồng, tăng 9,1%. Trong đó khai thác đạt gần 9,7 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so với năm ngoái, nuôi trồng cũng tăng 10,1%.
>> Hiện toàn tỉnh có 6.740 tàu đánh bắt hải sản, tổng công suất là 811.590 CV, trong đó, có khoảng 40 tàu làm dịch vụ thu mua hải sản. Năm 2012, toàn tỉnh đóng thêm 99 tàu đánh cá mới, thành lập 67 tổ đoàn kết với 381 tàu, tổng số hơn 400 thành viên. Diện tích nuôi trồng thủy sản là 7.329ha. |