(TSVN) – Sau hai tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, từ ngày 19/9, bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được phép vươn khơi, khai thác thủy sản. Sau một ngày vươn khơi, ngư dân phấn khởi vì trúng đậm cá biển.
Hai tháng thực hiện Chỉ thị 16 khiến cuộc sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Từ lâu, hoạt động đò nan, thúng máy, đánh bắt hải sản gần bờ đã là nguồn thu nhập chính của không ít gia đình.
Chiều ngày 17/9, lãnh đạo huyện Đất Đỏ đã xác nhận, ngư dân đánh bắt ven bờ ở Phước Hải được ra biển từ ngày 19/9. Hiện nay, với việc đã trở thành “vùng xanh”, huyện Đất Đỏ đã xây dựng phương án, kế hoạch để cho một số loại hình sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại. Trong đó, căn cứ vào tình hình thực tế; số lượng phương tiện và ngư dân; phương thức đánh bắt, tiêu thụ thủy, hải sản và sau khi nắm bắt tâm tư, mong muốn của ngư dân, huyện đã xây dựng phương án, kế hoạch nhằm tạo điều kiện cho ngư dân ra biển đánh bắt gần bờ nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, UBND tỉnh cũng cho phép 72 tàu dịch vụ hậu cần xuất bến hỗ trợ khẩn cấp cho các tàu, ngư dân đang khó khăn, cạn kiệt lương thực, thực phẩm, nhưng phải đảm bảo phương án phòng chống dịch của tỉnh trong thời gian sớm nhất sau khi UBND tỉnh phê duyệt phương án. Đồng thời xây dựng phương án cho ngư dân ra khơi sau ngày thực hiện Chỉ thị số 16 của Chính phủ (dự kiến ngày 22/9/2021) và hoàn thành trước ngày 1/10, với nguyên tắc là chỉ cho phép các tàu hợp pháp, hợp lệ đúng quy định (các tàu, chủ tàu vi phạm thẻ vàng không được ra khơi) và đảm bảo các phương án phòng chống dịch, ra khơi theo từng đợt và phải được kiểm soát chặt theo quy định.
Tại các cảng cá, tăng cường kiểm soát, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Nếu trường hợp để lây lan dịch bệnh trong quá trình hoạt động, sản xuất thì chủ đơn vị chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương để để xem xét, hỗ trợ.
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế TP Vũng Tàu, thành phố có 2.183 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản với 11.396 thuyền viên, trong đó có 834 tàu cá từ 15m trở lên khai thác xa bờ, 111 tàu làm nghề dịch vụ hậu cần thủy sản. Hiện trên địa bàn có 550 tàu đang nằm bờ với 6.303 thuyền viên và 284 tàu đang khai thác trên biển với 2.635 thuyền viên. TP Vũng Tàu đã xây dựng tờ trình đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương cho tàu được xuất bến đi khai thác hải sản. Cụ thể, từ ngày 20/9 giải quyết cho 72 tàu dịch vụ hậu cần thủy sản được xuất bến ra tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhiên liệu cho 284 tàu đang khai thác trên biển. Từ ngày 30/9 sẽ xem xét tạo điều kiện cho tàu cá tiếp tục xuất bến.
Trong ngày đầu vươn khơi 19/9, bãi biển thị trấn Phước Hải đã sôi động trở lại khi các ngư dân làm các nghề đánh bắt gần bờ như thúng, đò, nan được cho phép hoạt động trở lại. Từ sớm tinh mơ, hàng trăm ngư dân đã hối hả chuẩn bị để đi chuyến biển đầu tiên sau gần 2 tháng ở nhà để phòng, chống dịch.
Sau vài tiếng ra biển đánh bắt, đến trưa muộn đã có những ngư dân đầu tiên trở về sau thu hoạch trong ngày “mở biển”. Các ngư dân đều phấn khởi khi gỡ các mẻ lưới đầy tôm, cá, mực. Số hải sản này được bán ngay cho các đầu mối thu mua tại bãi hoặc được ngư dân mang vào chợ bán trực tiếp cho người địa phương. Mỗi ngư dân trúng từ 1 – 3 triệu đồng sau vài giờ ra khơi, có ngư dân trúng đậm đến 5 triệu đồng/chuyến. Chuyến đi biển đầu tiên, ngư dân trúng đậm chủ yếu là các loại cá mai, cá bạc má và một số ít ghẹ xanh, tôm.
Theo UBND thị trấn Phước Hải, hiện nay tại địa phương có hơn 600 phương tiện đánh bắt cá với 1.000 ngư dân hành nghề đánh bắt gần bờ. Việc ra khơi trong thời điểm này được chính quyền địa phương phát thẻ theo ngày chẵn lẻ, nhằm đảm bảo phòng chống dịch.