Bà Rịa – Vũng Tàu: Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt gần 2.000 tấn trong tháng 9/2022

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tháng 9 năm 2022 là 1.815 tấn, tăng 4,31% so với cùng kỳ 2021, lũy kế 9 tháng đạt 14.507 tấn, đạt 71,18% so với kế hoạch năm.

Cụ thể, diện tích đang nuôi trong tháng 9/2022 là 5.913,7 ha, trong đó, diện tích nuôi nước ngọt là 1.846,9 ha, chiếm 31,2 %; nuôi nước mặn, lợ là 4.066,8 ha, chiếm 68,8%. Nuôi quảng canh là 576,2 ha chiếm 9,7%; nuôi quảng canh cải tiến là 4.890,5 ha, chiếm 82,7%; nuôi bán thâm canh là 122,0 ha, chiếm 2,1%; nuôi thâm canh là 324,5 ha, chiếm 5,5%.  

Nhìn chung, diện tích NTTS tháng 9/2022 giảm so với năm 2021. Tuy nhiên diện tích giảm chủ yếu ở hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến (năng suất thấp), diện tích nuôi thâm canh (năng suất cao) tăng lên. Do đó, sản lượng NTTS vẫn tăng so với cùng kỳ. Tổng sản lượng NTTS tháng 9 vừa qua đạt 1.815 tấn, tăng 75 tấn, tương đương 4,31% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng tăng ở các nhóm đối tượng như tôm thẻ chân trắng, cá nước ngọt và thủy sản khác; các đối tượng còn lại giảm nhưng không đáng kể. 

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang tập trung phát triển các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Ngọc Giang

Hoạt động NTTS tương đối ổn định, hoạt động du lịch đã phục hồi nên việc tiêu thụ thủy sản thuận lợi hơn, người dân tiếp tục thả giống theo kế hoạch sản xuất. Mặc dù giá xăng dầu đã giảm nhiều lần nhưng giá vật tư đầu vào như thức ăn công nghiệp, con giống, sản phẩm xử lý môi trường NTTS còn ở mức cao làm tăng chi phí sản xuất của người nuôi, dẫn đến lợi nhuận thấp.

Người nuôi hướng đến nuôi bền vững, hiệu quả cao và tập trung những đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao trong hồ tròn ngày càng được nhân rộng. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 19 tổ chức, cá nhân NTTS và sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 409,66 ha, tăng 11,5 ha so với cùng kỳ. Trong đó, gồm có 17 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích là 397,66 ha. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi trong ao đất hay hồ tròn có lót bạt trong nhà màng, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ nuôi 250 – 500 con/m2. Các cơ sở thường nuôi theo nhiều giai đoạn, một năm có thể nuôi được từ 3 – 5 vụ. Môi trường nước được kiểm soát chặt chẽ, nguồn nước tuần hoàn và khép kín, quá trình nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, có khả năng kiểm soát dịch bệnh và môi trường rất tốt nên các cơ sở nuôi tôm rất hiệu quả. 

Một số doanh nghiệp điển hình như: Công ty TNHH NTTS Minh Phú – Lộc An, Công ty CP Thủy sản Phước Hải, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, Farm Liên Giang, Farm Thái Hà… Hai công ty sản xuất giống tôm thẻ chân trắng là Công ty TNHH Thủy sản Công nghệ cao Việt Nam chi nhánh 1 và chi nhánh 2 tại Vũng Tàu, với tổng diện tích 12 ha: Công ty nhập khẩu tôm thẻ chân trắng bố mẹ từ Thái Lan để cho sinh sản nhân tạo; đầu tư các hệ thống xử lý nước cấp, nước thải hiện đại, nước được xử lý và tái sử dụng tuần hoàn khép kín không xả thải ra ngoài môi trường; quy trình sản xuất tại công ty được chứng nhận theo các tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP. 

Chi cục Thủy sản tiếp tục kiểm tra duy trì điều kiện các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. Tính đến nay, Chi cục Thủy sản đã cấp giấy xác nhận đăng ký NTTS lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực cho 282 cơ sở. Trong đó, cấp giấy xác nhận đăng ký NTTS cho đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) là 19 cơ sở; cấp giấy xác nhận đăng ký NTTS lồng bè cho 263 cơ sở.

Đồng thời, tuyên truyền và hướng dẫn các cơ sở nuôi áp dụng quy trình thực hành NTTS tốt (GAP) và cam kết sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm theo Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT, đồng thời kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi sản xuất. Phối hợp cùng với địa phương tạo điều kiện cho các cơ sở nuôi phát triển mô hình nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái.

Thường xuyên thực hiện giám sát các vùng nuôi trọng điểm để theo dõi quá trình thả giống, đối tượng thả nuôi, kịp thời hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật thủy sản, đồng thời khuyến cáo người nuôi quản lý nuôi tôm nước lợ hiệu quả và an toàn, giảm thiểu dịch bệnh và tăng năng suất nuôi trồng. 

Diệu Tâm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!