T2, 06/07/2020 09:59

Bà Rịa – Vũng Tàu: Sản xuất hàng thủy sản xuất khẩu: Hướng dần về các mặt hàng tinh chế

Chưa có đánh giá về bài viết

Hoạt động xuất khẩu thủy sản của cả nước nói chung, Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng, trong những năm qua đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chưa thật bền vững nếu các doanh nghiệp không tập trung vào việc chế biến các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.

Hơn 10 năm qua, giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước có bước tăng trưởng đáng kể, từ gần 1,5 tỷ USD năm 2000 tăng lên hơn 5 tỷ USD vào năm 2011, đưa Việt Nam vào nhóm 5 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Riêng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, thủy sản vẫn chiếm vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu của tỉnh, chiếm gần 18% trong tổng cơ cấu ngành hàng xuất khẩu của tỉnh (trừ dầu khí). Tuy nhiên, trong cơ cấu các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, các sản phẩm có đầu tư chế biến sâu, giá trị gia tăng cao đang chiếm tỷ trọng thấp. Phần lớn sản phẩm xuất khẩu là sản phẩm chế biến thô, ở dạng nguyên liệu. Thống kê của ngành thủy sản cho thấy, hàng tinh chế xuất khẩu chỉ chiếm 25 – 30%, số còn lại là xuất thô. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, giá trị hàng thủy sản tinh chế chỉ chiếm 1/3 trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Basea food

 

Trên thực tế, việc mua bán hàng hóa phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu phải đáp ứng theo đơn hàng, kể cả khi khách hàng mua nguyên liệu hoặc sản phẩm sơ chế về để chế biến lại, hoặc xuất sang nước thứ ba… Tuy nhiên, để gia tăng giá trị sản xuất, nhà sản xuất vẫn có thể chủ động tiếp cận và thuyết phục khách hàng mua những sản phẩm tinh chế, đem lại giá trị xuất khẩu cao hơn và doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi nhuận hơn. Muốn đạt được điều này, doanh nghiệp phải chịu khó mày mò, khai phá thị trường. Ông Lê Văn Kháng, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) chia sẻ: Phải mất 10 năm, Coimex mới tạo dựng được uy tín nhất định trên thị trường với sản phẩm surimi. Tuy nhiên, surimi cũng chưa phải là mặt hàng tinh chế, vì vậy, công ty đã mày mò nghiên cứu thị trường, tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng, sử dụng nguyên liệu surimi là mặt hàng mô phỏng surimi. Hiện nay, mặt hàng này đã được tiêu thụ mạnh ở các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nga. Sản xuất mặt hàng này ngoài việc nâng cao giá trị xuất khẩu còn tiết kiệm được nguyên liệu trong tình hình khó khăn đầu vào như hiện nay.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 156 nhà máy chế biến thủy sản, trong đó có 32 nhà máy có code châu Âu, 55 nhà máy có tiêu chuẩn HACCP. Những tiêu chuẩn đó đủ để doanh nghiệp xuất khẩu hàng vào các thị trường khó tính. Năng lực của các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản trong tỉnh có thể chế biến mỗi năm 100.000 – 150.000 tấn hải sản các loại, nhưng hầu hết là hàng thô, vì thế làm mất đi cơ hội thu lại nguồn ngoại tệ rất lớn. Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến xuất khẩu thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu (Baseafood) cho biết: “Trung bình mỗi năm, Baseafood xuất khẩu 8 đến 10.000 tấn hải sản, đạt kim ngạch 20 – 22 triệu USD. Muốn tăng giá trị kim ngạch phải tăng giá trị sản phẩm trong sản xuất. Điều này đòi hỏi trong quá trình đàm phán với nước ngoài, doanh nghiệp phải chủ động chào bán sản phẩm mới, tăng cường chế biến sâu nhiều hơn, song song đó phải chú trọng nâng cao tay nghề cho người lao động”.

Trên thế giới, đã có một số nước có chính sách cấm xuất khẩu nguyên liệu thủy sản, buộc các doanh nghiệp phải chế biến sản phẩm ở dạng tinh chế mới được xuất khẩu. Nên chăng, nước ta cũng cần đưa ra những quy định cụ thể về chất lượng, giá trị sản phẩm nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu, mang lại nguồn ngoại tệ lớn hơn cho đất nước và đặc biệt là bảo vệ nguồn tài nguyên thủy sản.

Phan Hà

Theo Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!