“Nghề biển bây giờ khó trăm bề. Dù vậy, chúng tôi vẫn ra khơi, bám biển để sống và còn giữ biển của mình nữa chứ” – lời của lão ngư Huỳnh Văn Kiệt (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền – Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng là nỗi niềm chung của đông đảo bà con ngư dân trong tỉnh đang ngày đêm bám biển mưu sinh.
Qua rồi thời vàng son
Dõi mắt nhìn ra hướng biển xa xăm, lão ngư Huỳnh Văn Kiệt bồi hồi nhớ lại những năm 90 – 95 của thế kỷ trước, “đó là thời kỳ vàng son của nghề cá, mỗi chuyến tàu ra khơi chỉ 2,5 – 3 tháng chở về đầy ắp cá, tôm, mực. Làm ăn khấm khá, chủ ghe đua nhau xây nhà, sắm thêm phương tiện, bạn ghe cũng phấn khởi, hào hứng ra khơi. Còn bây giờ…”. Lão ngư Huỳnh Văn Kiệt bỏ lững câu nói thở dài. Ông kể, hồi đó gia đình ông có 3 chiếc tàu làm nghề lưới vây, giờ chỉ còn một chiếc 222CV, giao cho người con trai giỏi nhất làm thuyền trưởng. Từ đầu năm đến nay, tàu đã đi được 2 chuyến. Chuyến gần đây nhất về hồi 11-7, trừ hết phí tổn, ăn uống sinh hoạt, còn lại chia mỗi lao động được… 1,2 triệu đồng!. “Đó là khá đấy chứ, có tàu đi đằng đẵng mấy tháng trời, đến ngày về bán cá xong trả tiền xăng dầu, nước đá, thực phẩm hết cả, anh em bạn tàu không được đồng nào”, ông Kiệt phân bua.
Tàu cá của ngư dân phường 3, đậu tại cảng Bến Đá (phường 5, TP. Vũng Tàu)
Ông Võ Minh, chủ 4 cặp tàu làm nghề giã cào, một trong những ngư dân có tiếng ở xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền), giờ cũng không thoát khỏi cảnh khó khăn. Hỏi chuyện làm ăn, ông than: “Vật giá trăm thứ đều cao, chịu không xuể với phí tổn. Trong vòng chưa đầy 1 tháng qua mà giá dầu đã tăng 3 lần, tổng cộng tăng tới 1.650 đồng/lít. Còn nếu tính từ đầu năm 2012 đến nay thì tăng đến 7.500 đồng/lít. Riêng tiền dầu tăng đã đội phí tổn cho mỗi chuyến biển thêm 80 triệu đồng/tàu. Năm nay, sản lượng lại tiếp tục giảm, ước giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó giá hải sản tuy có tăng nhưng không đáng kể, không đủ bù lại chi phí tăng thêm”. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2006 – 2011, sản lượng khai thác trên một đơn vị tàu cá có xu hướng giảm, từ 42,2 tấn/chiếc/năm xuống còn 37,1 tấn/chiếc/năm.
Tàu cá làm ăn ngày càng khó, bạn ghe cũng chán nản bỏ nghề lên bờ kiếm nghề khác mưu sinh. Mỗi chuyến ra khơi, chủ tàu phải chạy đôn chạy đáo tìm bạn. Ở các địa phương có nghề đánh bắt hải sản nay chỉ còn khoảng 40% lao động là người địa phương, còn lại 60% là người đến từ các tỉnh miền Trung hoặc miền Tây. Lao động hiếm, nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực từ phía bạn ghe. Lợi dụng sự cầu cạnh của chủ ghe, có người nhận tiền ứng trước đến ngày đi biển thì trốn mất. Thậm chí, có trường hợp tàu ra đến cửa biển, các thủy thủ rủ nhau ôm can nhảy xuống biển bơi vào bờ, bỏ mặc thuyền trưởng “dở khóc dở cười”.
“Trăm cái khó nên bây giờ chỉ còn lại khoảng 30% chủ ghe làm ăn có lãi, đó là những người biết tính toán và có vốn tích lũy, không vay tiền của nậu vựa”, ông Võ Minh đúc kết.
Tàu đánh bắt hải sản xa bờ tiếp nhận nước đá tại cảng Incomap (phường 5, TP.Vũng Tàu).
Vượt sóng ra khơi
Dù khó khăn chồng chất, nhưng điều đáng mừng là hiện nay phần đông bà con ngư dân vẫn bám biển, đặc biệt là những người coi nghề biển là nghề “cha truyền con nối”. Nằm trong số những ngư dân kiên quyết bám biển, ông Võ Minh tâm sự: “Sống chết thế nào tui cũng bám nghề, khó thì mình phải tính theo khó”. Cách nói của ông nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế bà con ngư dân đã phải gồng mình gánh chịu rất nhiều khó khăn.
Tiết kiệm nhiên liệu, cắt giảm chi phí là cách mà tàu cá nào cũng phải tính. Cách làm phổ biến nhất hiện nay của bà con là liên kết thành từng tổ nhóm, mỗi tổ cử ra một tàu chuyên làm nhiệm vụ chuyên chở nhiên liệu ra tiếp tế và chở hải sản vào bờ bán. Còn với những gia đình có đông tàu như ông Võ Minh thì trong số 8 chiếc ông cắt hẳn một chiếc chuyên làm hậu cần. Nhờ vậy mỗi chuyến biển, một cặp tàu tiết kiệm được từ 500 – 900 lít dầu.
Khâu quản lý hoạt động của tàu cá cũng rất quan trọng. Với số vốn bỏ ra vài ba tỷ bạc, chưa kể vốn lưu động, mỗi tàu cá coi như một doanh nghiệp, do vậy nếu không có cách quản lý khoa học và chặt chẽ thì sẽ dẫn đến thất thoát và lỗ lã. Theo kinh nghiệm của anh Nguyễn Văn Ngọc, chủ tàu cá ở phường 2 (TP.Vũng Tàu), để tránh thất thoát tài sản, cách tốt nhất là đối đãi tử tế với anh em bạn ghe. Bởi, tàu lênh đênh trên biển, trong khi chủ tàu ở nhà, nếu ăn chia không thỏa đáng, họ bán trộm cá, chủ tàu cũng thiệt. Anh Ngọc kể, hồi tháng 4 vừa rồi, tàu anh mới đi chuyến biển đầu tiên sau hơn 1 tháng nằm bờ tu sửa, không ngờ mới ra đến ngư trường thì gặp bão, tàu bị phá nước chìm trong tíc tắc. Toàn bộ áo phao mang theo anh nhường cho thủy thủ, còn anh là người nhảy xuống biển cuối cùng chỉ với một chiếc can. Đã vậy anh còn phải dìu một thủy thủ trẻ không biết bơi. Mấy anh em ngụp lặn gần 1 giờ đồng hồ trên biển mới được tàu bạn đến cứu. Sau chuyến biển đó anh em bạn ghe rất cảm động, ai cũng hứa ở lại làm ăn với anh lâu dài.
Cải tiến tàu cá, trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết như: máy tầm ngư, máy định vị, máy thông tin liên lạc là cách mà dù muốn dù không các chủ tàu cũng phải bỏ chi phí để lo. Hiện nay, 100% tàu đánh bắt xa bờ đều được trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết, đủ khả năng thực hiện những chuyến biển dài ngày trên những ngư trường xa.
Việc hình thành các đội tàu chuyên làm dịch vụ thu mua hải sản trên biển và thành lập các tổ đoàn kết trên biển đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có khoảng 30 tàu chuyên cung ứng dịch vụ và thu mua hải sản trên biển và hơn 100 tổ đoàn kết sản xuất trên biển. Mô hình này không chỉ giúp ngư dân khai thác hải sản có hiệu quả mà còn có ý nghĩa lớn trong việc giữ gìn an ninh biển đảo. |