Không những gặp khó khăn do ngư trường cạn kiệt, giá xăng dầu và ngư cụ tăng cao, thời gian qua các chủ tàu cá luôn chật vật với việc tuyển bạn ghe đi biển. Để khỏi phải cho tàu nằm bờ, các chủ tàu phải đổi mới cách phân phối lợi nhuận và quản lý đối với lao động.
“Mượn” bạn để ra khơi
Thời điểm này, dù đã bước vào vụ đánh bắt cá nam, tuy nhiên tại các cảng cá nhiều tàu cá lớn vẫn nằm bờ. Một trong những nguyên nhân là do không đủ bạn ghe để ra khơi. Theo nguồn tin từ các địa phương, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ước tính có gần 1000 tàu cá nằm bờ.
Ông Huỳnh Văn Tiến, chủ tàu cá BV – 4429, ở thị trấn Long Hải cho biết, mỗi chuyến ra khơi gia đình ông phải vất vả lắm mới kiếm đủ bạn ghe. Có những chuyến đi biển bị lỗ, tiền chia cho bạn ghe ít, có khi chỉ còn 1 – 2 triệu đồng/người, “Lênh đênh trên biển mấy tháng trời về bờ tay không, bạn ghe nản lòng nhảy sang tàu cá khác. Thành thử, đôi lúc kiếm không đủ bạn ghe, chúng tôi phải để tàu cá nằm bờ”, ông Huỳnh Văn Tiến buồn bã nói.
Ngư dân TP.Vũng Tàu trước giờ xuất bến
Tình trạng thiếu lao động đi biển xảy ra ở hầu hết các địa phương có nghề đánh bắt hải sản. Một tàu cá đánh bắt xa bờ công suất từ 90 CV trở lên, trung bình cần khoảng từ 20 – 30 lao động, vậy nên để kiếm đủ bạn ghe là điều không dễ. Ông Huỳnh Văn Hồng, cũng ở thị trấn Long Hải, người có kinh nghiệm đi biển hơn chục năm nay cho biết, thông thường, các chủ ghe không trả lương cho bạn ghe theo tháng, mà chỉ thỏa thuận ăn chia lợi nhuận theo một tỷ lệ nhất định sau khi đã trừ chi phí cho mỗi chuyến biển. Thời gian gần đây, xăng dầu tăng giá, chi phí dịch vụ ăn theo tăng cao, nên chi phí cho mỗi chuyến đi biển đội lên nhiều lần, trong khi sản lượng đánh bắt lại thất thường nên lợi nhuận chia được của lao động cũng không ổn định, có chuyến được vài triệu, có chuyến chẳng còn đồng nào để chia. “Giữ được chân bạn ghe là điều rất khó khăn”, ông Huỳnh Văn Hồng nói.
Trước tình trạng lực lượng lao động đi biển thiếu trầm trọng, để bám biển, bà con ngư dân phải chia sẻ lao động cho nhau. Nhiều trường hợp tàu sắp đến ngày ra khơi nhưng không đủ quân số, chủ tàu phải “mượn” bạn ghe của tàu khác. Các chủ tàu cá cho biết, để “mượn” được lao động, bình quân chủ tàu phải trả từ 1 – 2 triệu đồng/người/chuyến. Thậm chí có chủ tàu phải mất cả chục triệu đồng chi phí “mượn” lao động cho mỗi chuyến đi biển. Dù tốn kém nhưng vẫn còn hơn để tàu nằm bờ. Bởi, theo tính toán của ngư dân, chi phí để đóng tàu cá theo giá cả hiện tại thường không dưới 2 tỷ đồng, để có một cặp tàu chủ tàu phải đầu tư khoảng 5 – 6 tỷ đồng. Nếu ra khơi trúng vài chuyến biển, thì cơ hội hoàn vốn không khó. Vì vậy, nếu chỉ vì thiếu lao động mà buộc phải để tàu nằm bờ là điều không chủ tàu nào muốn.
Giữ chân bạn ghe
Tuy nhiên, việc mượn bạn ra khơi không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”. Ông Phạm Công Thanh Hà, cán bộ phụ trách hải sản thị trấn Long Hải cho biết, thời gian qua UBND thị trấn Long Hải đã nhận được khá nhiều đơn khiếu nại của ngư dân liên quan đến việc một số lao động ứng tiền đi biển của chủ tàu rồi bỏ trốn. Theo phản ánh của các chủ tàu ở thị trấn Long Hải, việc lao động đòi ứng tiền trước và tới ngày xuất bến bỏ trốn hoặc nhảy sang đi cho tàu cá khác diễn ra khá phổ biến ở địa phương này. “Dù biết cho ứng tiền trước có thể mất lao động, nhưng vẫn phải mạo hiểm vì đây cũng là cách để níu chân bạn ghe”, ông Huỳnh Văn Tiến chia sẻ.
Tàu đánh bắt xa bờ tiếp nhận nhiên liệu tại cảng cá Phước Tỉnh (Long Điền).
Nghề biển chứa đựng nhiều hiểm nguy, không biết rủi ro xảy ra lúc nào. Thuyền trưởng là người có vai trò hết sức quan trọng. Lúc bình thường cũng như khi gặp bất trắc, tinh thần trách nhiệm và sự ứng phó linh hoạt của thuyền trưởng đôi khi là vận mệnh cho cả con tàu. Ra khơi, các chủ tàu thường giao hẳn mọi việc cho thuyền trưởng, do vậy họ thường tạo điều kiện cho thuyền trưởng có phần hùn để họ gắn bó trách nhiệm hơn. “Chủ tàu phải biết nuôi thuyền trưởng giỏi và cư xử có tình, có nghĩa với bạn ghe thì họ mới gắn bó với mình lâu dài”, ông Võ Minh, chủ tàu cá ở thị trấn Long Hải nói. Với cách chia 5:5 (Lợi nhuận chia đều 50% cho chủ tàu và 50% cho lao động trên tàu), thay vì trước đây là 6:4 (60% cho chủ tàu và 40% cho lao động trên tàu), mặc dù chủ tàu phải chịu thiệt nhưng họ vẫn chấp nhận để giữ lao động.
Với số lượng 6.732 tàu cá, trong đó có hơn 2.600 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, tổng số lao động phục vụ khai thác hải sản toàn tỉnh lên đến 37.400 người. Qua tìm hiểu được biết, tình trạng lao động đi biển thiếu trầm trọng như hiện nay là do trước đây lực lượng này chủ yếu từ miền Trung vào, nhưng mấy năm gần đây các tỉnh miền Trung đã bắt đầu chú trọng phát triển các ngành sản xuất và hình thành nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, do đó nhiều người đã có việc làm tại địa phương. Nghề biển phải “ăn gió, nằm sương”, vừa nặng nhọc, vừa nguy hiểm, thu nhập lại bấp bênh nên bạn ghe không còn mặn mà như trước. |