(Thủy sản Việt Nam) – Một ngày tháng 7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm bà con ngư dân Sầm Sơn (Thanh Hóa). Nắng không gợn một chút mây. Chiếc Pô-bê-đa màu sữa chở Bác đến Sầm Sơn. Bác cải trang như một lão ngư, quần cộc, áo cộc, đi dép cao su…
“Biển bạc là của ta, do nhân dân ta làm chủ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Một ngày tháng 7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm bà con ngư dân Sầm Sơn (Thanh Hóa). Nắng không gợn một chút mây. Chiếc Pô-bê-đa màu sữa chở Bác đến Sầm Sơn. Bác cải trang như một lão ngư, quần cộc, áo cộc, đi dép cao su, đội mũ cát sờn mất chỏm, quấn cổ bằng chiếc khăn mặt bông để giấu bớt bộ râu. Xóm chài vắng vẻ. Đến hai nhà đầu mọi người đều đi vắng. Ở biển, bà con đi làm rất sớm. Đến nhà thứ ba thấy một ông cụ già đang khề khà ngồi trên chõng bên be rượu với đĩa chân giò luộc.
– Chào cụ ạ! – Bác Hồ cất lời.
– Không dám! Chào cụ ạ! – Cụ già đáp lại Bác Hồ – Mời cụ nhắp với tôi một nhắp.
– Cảm ơn cụ! – Bác cảm ơn rồi lịch sự từ chối – Chúng tôi đã ăn sáng rồi. Đoạn Bác hỏi ông cụ về đời sống của ngư dân: – Thưa cụ, đời sống xã viên ở đây ra sao ạ?
Ông cụ không cần đắn đo suy nghĩ, trả lời ngay: – Cảm ơn cụ. Nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ, đời sống xã viên chúng tôi sung sướng lắm ạ!
– Chào cụ, chúng tôi xuống bãi.
Khi đã đi khuất, Bác dừng lại bảo: “Các chú đã thấy chưa? Khi dân chưa hiểu chúng ta thì không bao giờ người ta nói sự thật đâu”.
Bác Hồ với ngư dân Sầm Sơn, Thanh Hóa, tháng 7/1960 – Ảnh: Kim Côn
Rời xóm chài, Bác dẫn chúng tôi xuống bãi biển. Một không khí lao động tấp nập diễn ra. Bác bước nhanh tới. Thấy mấy cụ già đang soải chân thang kéo rùng (kéo lưới) vất vả, Bác vào cùng, đứng trước một cụ già cũng xoải chân thang cật lực kéo sợi dây. Cụ già thấy một ông cụ lạ và mấy người cùng kéo lưới giúp thì mừng vui, vừa làm vừa trò chuyện rôm rả. Mồ hôi nhễ nhại, Bác bỏ mũ, cởi cả áo, cả khăn lộ hết bộ râu, không ai nhận ra người cùng kéo dò áng (kéo dây lưới vây) là Bác Hồ, có lẽ họ nghĩ đây là một ông cụ già tốt bụng cùng một số cán bộ về nghỉ mát.
Sau đó, Bác dẫn mọi người đi thăm không khí lao động nhộn nhịp của ngư dân trên bãi cá. Nơi này chuyển cá dưới thuyền lên bãi cát. Nơi kia từng đoàn gánh cá đi, chỗ khác, mấy bà đang vun cá lên như đống lúa… Gặp chỗ nào đang khẩn trương công việc là Bác xắn tay vào. Bác nhập cuộc rất nhanh và thuần thục. Thấy mấy bà đang bốc cá vào thúng như chia cá, Bác ngồi xuống trò chuyện, Bác hỏi một ngư dân:
– Mùa này đánh bắt được nhiều cá, bà con tha hồ phấn khởi, tha hồ ăn cá, phải không các bà?
– Phấn khởi gì mà phấn khởi hở cụ.
– Sao lại không phấn khởi?
Một bà nhanh nhảu trả lời:
– Cụ bảo chúng tôi tha hồ ăn cá ư? Có mà ban quản trị nó móc họng ra. Đây là cá của các ông ban quản trị, chứ có phải cá của xã viên đâu. Chúng tôi gánh cá là gánh cá về cho chủ nhiệm đấy cụ ơi. Còn chúng tôi chỉ ăn những con tép vụn vặt mà thôi.
Bà con trả lời thật thà mà ngay thẳng. Bác đứng lên tiếp tục đi quanh bãi cá. Thời gian ấy Người đang viết dự thảo điều lệ hợp tác xã nông nghiệp. Bác bảo: Phải khoán cho người lao động, có khoán người ta mới có ăn, có ăn mới lao động tốt.
(Theo hồi ức của Nhiếp ảnh gia Kim Côn)