Bạc Liêu: 2.700 ha tôm nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đây là diện tích tôm nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh của tỉnh từ đầu năm đến nay. Trong đó, tỷ lệ thiệt hại trên 70% là 2.585 ha (tôm sú 1.436 ha, TTCT 1.148 ha), tỷ lệ thiệt hại từ 30 – 70% là 93 ha. Nguyên nhân do môi trường, thời tiết và bệnh phân trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đỏ thân và bệnh đốm trắng…

Trước tình hình dịch bệnh trên, Bạc Liêu đã được cấp phát 100 tấn hóa chất từ Chính phủ giao Bộ NN&PTNT (gồm 70 tấn Chlorine 65% min và 30 tấn Sodium Chlorite 20%). Bên cạnh đó, cấp 10.000 l hóa chất Benkocid từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ tỉnh phòng ngừa dịch bệnh.

Sau khi tiếp nhận, tỉnh đã tiến hành cấp phát toàn bộ số hóa chất cho các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Theo đó, TP Bạc Liêu được 20 tấn hóa chất Chlorine 65% min, 10 tấn Sodium Chlorite 20% và 700 l hóa chất Benkocid; TX Giá Rai 1 tấn hóa chất Chlorine 65% min, 700 l hóa chất Benkocid; huyện Hòa Bình 20 tấn hóa chất Chlorine 65% min, 10 tấn Sodium Chlorite 20%, 1.000 l hóa chất Benkocid; huyện Đông Hải 22 tấn hóa chất Chlorine 65% min, 10 tấn Sodium Chlorite 20%, 600 l hóa chất Benkocid; huyện Vĩnh Lợi 7 tấn hóa chất Chlorine 65% min, 1.000 l hóa chất Benkocid; huyện Phước Long 1.000 l hóa chất Benkocid; huyện Hồng Dân 1.000 l hóa chất Benkocid; Chi cục Chăn nuôi và Thú y 4.000 l hóa chất Benkocid. Các địa phương khi nhận hóa chất Chlorine về thì lập tức phân bổ và cấp phát cho các hộ NTTS nhằm phòng ngừa dịch bệnh bùng phát.

Phòng ngừa dịch bệnh có ý nghĩa quan trọng trong nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản. Vì thế, mục tiêu giảm thiểu dịch bệnh trong NTTS, nhất là tôm nuôi cần phải đặt ra cao hơn. Theo đó, ngảnh chức năng khuyến cáo các tập đoàn, doanh nghiệp, hộ NTTS cần tuân thủ các quy định cần thiết như điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất thải, chất lượng con giống, chất lượng kiểm dịch. Đồng thời, việc áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý, chăm sóc ao nuôi cũng phải đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng hướng dẫn nông dân thực hiện đúng lịch thời vụ; Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất – kinh doanh giống thủy sản, thức ăn, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường trên địa bàn; Kiểm soát tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi…

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!