Con tôm không thể tách rời đồng đất Bạc Liêu và nông dân cũng không thể bỏ con tôm được. Do lợi thế con tôm quá lớn nên chưa ai tính tới việc tìm kiếm con gì thay thế trong lúc tôm bị dịch bệnh hoành hành. Vì thế, khi cần nuôi rải vụ để ngắt mầm bệnh thì cả cơ quan quản lý và người dân đều rất lúng túng đi tìm đối tượng thay thế.
Loay hoay tìm đối tượng nuôi
Con tôm (chủ yếu là tôm sú) chiếm khoảng 70% giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Diện tích nuôi tôm thâm canh của tỉnh hiện đứng nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Điều đó cho thấy con tôm luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế Bạc Liêu. Thực tế cho thấy, khi tôm trúng mùa thì kinh tế Bạc Liêu khởi sắc. Song, cũng không ít lần, con tôm thất mùa, dịch bệnh khiến kinh tế Bạc Liêu vô cùng khó khăn. Và trong năm 2012, tôm chết triền miên do bị hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính, gây thiệt hại rất nhiều cho người nuôi và nền kinh tế của tỉnh. Vấn đề đáng nói ở đây là ai cũng nhìn thấy, nhưng chưa ai khuyến cáo nên nuôi con gì để thay thế con tôm. Không thể tiếp tục thả giống, tình trạng “treo ao” ở vùng nuôi tôm thâm canh của tỉnh tiếp tục tái diễn.
Trại thực nghiệm giống thủy sản (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) ương cá chẽm giống để cung ứng cho nông dân – Ảnh: T.Đ
Lời giải cho vấn đề trên được ông Nguyễn Văn Vượng, Phó chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, khẳng định: “Chúng ta đang gặp bế tắc!”. Nhưng ở góc độ chuyên ngành, ông Vượng cho rằng, cua và cá chẽm thay thế được con tôm. Còn đối tượng nuôi khác đang thử nghiệm là cá bốp (cá lóc biển) và cá chim trắng. Các loài thủy sản này hiện nay đều xuất khẩu được và có giá trị kinh tế cao. Riêng cá kèo hiện nay cung đã vượt cầu, đôi lúc giá cá thương phẩm rớt đến thảm hại nên người nuôi cần phải cân nhắc. Còn nếu chú trọng yếu tố cải tạo môi trường, giá trị kinh tế thấp hơn thì người dân nên nuôi cá phi.
Theo Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, ngoài các đối tượng nuôi trên, hiện nay, cá chim vây vàng và cá bống mú cũng mang lại hiệu quả cao trong môi trường nuôi thâm canh. Tất cả đều ít bị dịch bệnh, rủi ro rất thấp, giá trị kinh tế không thua con tôm (lợi nhuận mỗi héc-ta từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng) và nuôi được trong ao tôm có độ mặn cao. Tùy điều kiện kinh tế của từng nông hộ mà người dân có thể chọn đối tượng nuôi phù hợp.
Tuy nhiên, tất cả đối tượng nuôi này đều chưa có khuyến cáo chính thức của ngành Nông nghiệp và cũng chưa có một đề tài nghiên cứu nào của tỉnh gọi là “đi tìm đối tượng thay thế con tôm”.
Thiếu vai trò định hướng
Nhiều năm liền, nuôi tôm thường gặp nhiều rủi ro, nhưng việc đưa ra đối tượng thay thế chưa được ngành Nông nghiệp thể hiện rõ. Đó là vai trò định hướng và hỗ trợ nông dân cần nuôi con gì để phát huy tiềm năng và lợi thế của đất nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh dịch bệnh trên tôm ngày càng gia tăng.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, cho rằng: “Phần lớn mô hình nuôi cua, cá thâm canh nói trên đều trong quá trình thử nghiệm. Riêng cá phi chỉ nuôi được ở nơi có độ mặn dưới 10%o. Do đó, nông dân rất dè dặt, chưa dám nhân rộng mặc dù ao nuôi đang bỏ trống. Hầu hết các đối tượng nuôi này đều đòi hỏi chi phí đầu tư cao”. Theo ông Hưng, cá chẽm và cá chim vây vàng chi phí đầu tư từ 400 – 500 triệu đồng/ha; cá bống mú từ 300 – 350 triệu đồng/ha; thấp nhất là đầu tư nuôi cua thâm canh từ 200 – 250 triệu đồng/ha.
Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu thủy sản Minh Hải (có trụ sở tại Nhà Mát, TP. Bạc Liêu), khuyến cáo: “Thuận lợi lớn nhất của việc nuôi cá thâm canh là tỉnh đã sản xuất được thức ăn viên, có nguồn giống tốt được ương tại tỉnh. Tuy nhiên, dù có giá trị kinh tế cao, nhưng nếu loại cá nào đang trong quá trình thử nghiệm thì bà con không nên vội nuôi, chẳng hạn như cá bốp. Ngoài quy trình nuôi khá phức tạp, bà con nên quan tâm đến đầu ra của sản phẩm”. Ông Tuấn cũng khẳng định, hầu hết các đối tượng nuôi mới đều đang gặp khó khăn về đầu ra. Vì thế, rất cần các ngành chức năng hỗ trợ xúc tiến thương mại. Khi đã an tâm về thị trường tiêu thụ thì bà con hãy mạnh dạn ứng dụng mô hình nuôi này để vừa tăng thu nhập và thay thế con tôm (khi chưa thể khống chế dịch bệnh nguy hiểm trên tôm).