Hiện, tình hình dịch bệnh tại nhiều vùng nuôi tôm trọng điểm tại ĐBSCL vẫn hết sức phức tạp, chưa có giải pháp hữu hiệu, đặc biệt là Hội chứng tôm chết sớm (EMS). Để giảm thiểu thiệt hại, người nuôi tôm đã áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, trong đó nổi bật là việc sử dụng bã mía, bước đầu cho hiệu quả.
Ông Võ Hồng Ngoãn, hộ nuôi tôm xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, một trong những người đầu tiên thử nghiệm hình thức nuôi này cho biết, ông được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, sau 3 vụ nuôi, hiệu quả tốt. “Với cách làm hòa lẫn bột bã mía vào nước ao, hai vụ trước tôi nuôi tôm thẻ chân trắng thành công 100%, còn vụ này nuôi tôm sú, được hai tháng rồi, tôm phát triển rất tốt”, ông Ngoãn chia sẻ thêm.
Ông Võ Hồng Ngoãn kiểm tra tôm nuôi – Ảnh: Phan Thanh
Bột bã mía thường được dùng cho trồng trọt, giúp bổ sung các chất như sắt, kẽm, phốtpho… cho cây. Nhưng đồng thời, ở trong nước, bột bã mía cũng rất tốt, bổ sung chất khoáng cho hệ thực vật như tảo phát triển và một số chất như sắt, kẽm… cũng cần cho tôm, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng; Đồng thời, khi ứng dụng phương pháp này, hệ vi sinh vật có lợi phát triển rất tốt, độ pH trong nước ổn định ở mức phù hợp cho tôm phát triển. Chính vì vậy, người nuôi không cần phải dùng nhiều vôi, chất nâng độ pH trong nước, ít nhất trong hai tháng đầu, giúp làm giảm chi phí đầu tư. Mặt khác, với phương pháp này, chi phí giảm 50 – 60%, không thấy xuất hiện bệnh; đảm bảo môi trường sinh thái. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng cần nghiên cứu thêm để có thể triển khai rộng tại nhiều địa phương, tạo hiệu quả ổn định và bền vững cho người nuôi tôm.