Bạc Liêu: Khẳng định vị thế “thủ phủ” tôm của cả nước

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song năm 2024, ngành tôm Bạc Liêu đã về đích ấn tượng với sản lượng đạt 313.344 tấn, đa dạng mô hình sản xuất, mang lại lợi ích kinh tế và giá trị cao cho ngành.

Kết quả tích cực

Theo Chi cục Thủy sản Bạc Liêu, sản xuất và nuôi trồng thủy sản năm qua gặt hái được nhiều kết quả quan trọng. Địa phương đã quan tâm chỉ đạo sản xuất và thế mạnh nuôi trồng thủy sản tiếp tục được giữ vững với diện tích canh tác hơn 136.710 ha, đạt 100,04% kế hoạch. Sản lượng thủy sản đạt 432.172 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ trên toàn tỉnh đạt 132.663 ha, sản lượng đạt 313.344 tấn, khẳng định vị thế “thủ phủ” tôm của cả nước.

Nhiều loại hình sản xuất đa dạng, mang lại lợi ích kinh tế và giá trị sản xuất thủy sản cao. Đầu tiên phải kể đến các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh với diện tích 32.987 ha, đạt 112,2% kế hoạch và tăng 113,14% so cùng kỳ, đặc biệt mô hình tôm – lúa được giữ vững với 46.854 ha. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh phát triển mạnh với 26 công ty và 963 hộ dân trên diện tích 6.837 ha, năng suất lên tới 20,62 tấn/ha và tổng sản lượng 141.000 tấn.

Khu quy hoạch nuôi tôm công nghệ cao ven biển Bạc Liêu. Ảnh: PTC

Hạ tầng kỹ thuật cho “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” đang dần hoàn thiện. Việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào ngành tôm đã có bước phát triển mạnh mẽ và trình độ kỹ thuật của người nuôi ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững được áp dụng vào sản xuất như: Nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC,…), mô hình tôm – lúa,… đã đem lại hiệu quả cho người nuôi tôm. 

Ngoài ra, hiện số lượng nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh tương đối nhiều so với các tỉnh, thành nuôi tôm trọng điểm cả nước. Hầu hết các nhà máy chế biến tôm được đầu tư tương đối đồng bộ với dây chuyền hiện đại (hấp, cấp đông siêu tốc,…) và dây chuyền sản xuất bán tự động đến tự động (rửa, phân cỡ, cân, mạ băng, đóng gói, vận chuyển sản phẩm,…) gắn với công nghệ chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.

Dịch bệnh giảm

Để giúp người nuôi tôm hạn chế thiệt hại, đảm bảo mục tiêu kế hoạch, trong năm qua, công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi tôm đã được địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao.

Theo đó, mặc dù biến đổi khí hậu khiến thời tiết diễn biến khá phức tạp, nắng nóng trong mùa khô kéo dài và nhiệt độ có thời điểm >40°C. Cùng đó, còn xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa làm cho môi trường nước thay đổi nhanh, dẫn đến tôm nuôi bị sốc và dịch bệnh dễ phát sinh.

Tuy nhiên, với việc chủ động ban hành nhiều giải pháp của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT trong lãnh đạo, chỉ đạo nên công tác phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi cơ bản được kiểm soát, giảm thiệt hại do dịch bệnh cả 2 mặt về diện tích và mức độ thiệt hại. Riêng tháng 12/2024, diện tích tôm nuôi của tỉnh bị thiệt hại là 17 ha, chủ yếu trên mô hình nuôi tôm công nghiệp. 

Trong năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tham mưu cho Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật, thủy sản, gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức lấy mẫu giám sát bệnh trên 7 huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh. Trong đó, mô hình giám sát tập trung ở nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến kết hợp. Cũng như, chỉ tiêu xét nghiệm 7 bệnh trên tôm như: Bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh Taura, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh hoại tử cơ, bệnh vi bào tử trùng. Kết quả, tỷ lệ tôm nhiễm đốm trắng chiếm từ 4,2 – 30,5%, bệnh hoại tử gan tụy cấp từ 0,6 – 8,5%, bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu từ 2,8 – 20,5%, bệnh vi bào tử trùng từ 19,7 – 48,5% và đáng ghi nhận là không phát hiện bệnh đầu vàng, bệnh Taura, bệnh hoại tử cơ.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y còn thực hiện giám sát dịch bệnh chủ động tại vùng đệm của Công ty Việt Úc phục vụ chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và theo yêu cầu của nước nhập khẩu để xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm của Việt Nam đi các nước trên thế giới. Đồng thời, nhằm ngăn chặn kịp thời mầm bệnh nguy hiểm trên tôm lây lan trên diện rộng, tỉnh cũng hỗ trợ hóa chất chlorine từ nguồn dự trữ quốc gia và phân phối về các huyện, thị xã, thành phố có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh để xử lý mầm bệnh nguy hiểm khi có dịch bệnh xảy ra.

Lê Loan

Trong năm 2025, Bạc Liêu sẽ tập trung hoàn thành xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Đồng thời, tập trung phát triển các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể) gắn với phát huy lợi thế về nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại các vùng nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh và xác định mô hình nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn. Cũng như, phát triển ổn định, bền vững mô hình nuôi tôm sạch (tôm - lúa, tôm - rừng,...).

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!